Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho hay, Việt Nam có hệ thống rừng đặc dụng với tổng diện tích hơn 2,3 triệu héc ta; trong đó, riêng 34 vườn quốc gia chiếm diện tích hơn 1,27 triệu héc ta.
Hệ thống rừng đặc dụng phân bố khắp cả nước, với hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú. Từ hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi ở các vườn quốc gia: Ba Bể, Cát Bà, Cúc Phương, Phong Nha – Kẻ Bàng; hệ sinh thái rừng cận nhiệt đới trên núi có độ cao thấp và trung bình ở các vườn quốc gia: Hoàng Liên, Chư Yang Sin, Kon Ka Kinh, Bidoup – Núi Bà; rồi hệ sinh thái hỗn hợp (rừng – biển đảo) ở các vườn quốc gia: Bái Tử Long, Cát Bà, Côn Đảo, Núi Chúa, Phú Quốc, cho đến hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các vườn quốc gia: Xuân Thủy, Côn Đảo, U Minh Thượng, Mũi Cà Mau, U Minh Hạ,…
Hệ thống rừng đặc dụng hiện lưu giữ 186 loài động vật quý hiếm và 71 loài thực vật, tiêu biểu như: hổ, voi châu Á, voọc Cát Bà, sâm Ngọc Linh… Đặc biệt, hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam hiện có 2 di sản thiên nhiên thế giới; 9 khu dự trữ sinh quyển được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; 10 vườn di sản ASEAN…
Cũng theo Cục Lâm nghiệp, các vườn quốc gia, khu bảo tồn đã và đang có nhiều hoạt động bảo tồn mang lại hiệu quả cho hệ sinh thái hoang dã cũng như lợi ích thiết thực đối với cộng đồng. Cùng với đó, có sự tham gia của người dân trong việc tạo nguồn tài chính, thông qua các mô hình cộng đồng quản lý, mô hình đối tác công – tư, phí chi trả môi trường rừng, phí bảo vệ nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên.