Tái hoang dã, thông qua việc tái thả các loài động vật hoang dã vào môi trường sống ban đầu của chúng, là một trong những cách tiếp cận mới giúp khôi phục các loài động vật hoang dã tại Việt Nam trong ngắn và trung hạn.
Khôi phục môi trường sống cho các loài tự sinh tồn
Tái hoang dã (rewilding) có thể hiểu là các hoạt động khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên, đưa các loài bản địa trở lại sinh cảnh sống và bảo vệ các chu trình sinh thái học. Theo Tiến sĩ Barney Long, Giám đốc cấp cao Chiến lược Bảo tồn của Tổ chức Re:wild, để tăng cường hiệu quả của các nỗ lực bảo tồn loài, việc khôi phục hệ sinh thái tự nhiên sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động của con người rất quan trọng. Quá trình này bao gồm việc phục hồi các chu trình tự nhiên và chuỗi thức ăn toàn bộ (hoặc gần như toàn bộ) ở tất cả các bậc dinh dưỡng. Điều này tạo ra một hệ sinh thái tự duy trì và bền vững cao, tạo sinh cảnh cho không chỉ cho một mà nhiều loài khác nhau.
Có rất nhiều nguyên do Việt Nam cần hướng đến tái hoang dã. Trong đó, việc sinh cảnh bị mất, suy thoái và phân mảnh là những mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học Việt Nam. Nhiều diện tích rừng, vùng đất ngập nước và các hệ sinh thái khác đã bị phá hủy hoặc suy thoái do mở rộng đất canh tác nông nghiệp, khai thác gỗ, khai thác mỏ và đô thị hóa; cũng như sự mất mát của các quần thể động vật hoang dã giúp duy trì các chức năng của rừng. Việc tái hoang dã có thể giúp khôi phục và kết nối lại các sinh cảnh bị phân mảnh, tạo ra các hệ sinh thái lớn hơn và đa dạng hơn, có thể hỗ trợ nhiều loài hơn.
Nhiều loài tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, nạn săn bắt và các hoạt động khác của con người. Hoạt động săn bắt động vật hoang dã trong nhiều thập kỷ qua tại Việt Nam đã gây ra hiện tượng “rừng rỗng” (empty forest), rất ít khu rừng có thể phục hồi tự nhiên, kể cả khi các mối đe dọa giảm đi đáng kể. Suy giảm quần thể các loài động vật hoang dã là một yếu tố chính dẫn đến suy thoái rừng. Bên cạnh đó, tái hoang dã có thể giúp tăng khả năng thích ứng của các hệ sinh thái đối với những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, bằng cách khôi phục các chu trình sinh thái tự nhiên như giữ các-bon, tuần hoàn nước và hình thành đất.
Nhằm tạo tiền đề xây dựng kế hoạch bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2035, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học – Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (VFBC) do USAID tài trợ, đang xây dựng các kế hoạch hành động về loài cho 14 loài ưu tiên, cũng như phố biến các thực hành tái thả, chuyển dời, tái hoang dã, xây dựng kế hoạch tái thả loài. Mục tiêu nhằm phục hồi các quần thể loài trong các khu rừng, vườn quốc gia thuộc dự án theo từng giai đoạn, góp phần tạo nên các quần thể hoang dã khỏe mạnh.
“Chúng tôi tin rằng tái hoang dã là chiến lược khả thi duy nhất để khôi phục các quần thể động vật hoang dã nên có ở Việt Nam. Nếu khái niệm tái hoang dã được đưa ra cách đây 20 hoặc 25 năm, có lẽ chúng ta đã có thể cứu Sao la khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Chúng tôi kêu gọi các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam hợp tác để cùng khôi phục các loài vẫn còn có khả năng hồi phục, thông qua việc tái hoang dã”, ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Dự án VFBC nhấn mạnh.
Hành động sớm và hợp tác các bên
Theo Tiến sĩ Axel Moehrenschlager, Chủ tịch của Nhóm Chuyên gia Chuyển dời Bảo tồn thuộc Ủy ban Bảo tồn Loài (SSC) – Tổ chức IUCN, cách tiếp cận tái hoang dã đã được áp dụng trên toàn thế giới và có rất nhiều bài học thành công mà Việt Nam có thể học hỏi. Trong đó, hành động sớm dựa trên thông tin tốt nhất có sẵn và hợp tác hiệu quả chính là chìa khóa thành công.
Tiến sĩ Barney Long cho rằng, việc phát triển một Chiến lược Bảo tồn Loài sẽ cung cấp khung và hướng dẫn cho các hành động bảo tồn hiệu quả, bao gồm sự tham gia của tất cả các bên chịu trách nhiệm về các loài. Trong đó, bước đầu tiên là cần tạo ra nơi trú ẩn an toàn cho các loài trong các Vườn Quốc gia/Khu Bảo tồn. Việt Nam cần thành lập ngay các cơ sở nuôi giống bảo tồn cho các loài gần tuyệt chủng để ngăn ngừa khả năng tuyệt chủng tiềm tàng, đồng thời cung cấp tiềm năng tái giới thiệu các loài vào các Vườn Quốc gia trong tương lai, giúp phục hồi hệ sinh thái hiệu quả.
Nỗ lực bảo tồn tại chỗ không đủ để phục hồi loài và tái hoang dã tại Việt Nam. Các hình thức bảo tồn dịch chuyển khả thi là trả lại các quần thể tuyệt chủng ở nơi chúng đã từng sinh sống; tăng cường các quần thể loài bị đe dọa để ngăn chặn sự tuyệt chủng; trả lại chức năng hệ sinh thái bị mất do sự tuyệt chủng các loài khác; phóng thích các loài ra khỏi phạm vị bản địa bị đe dọa để tránh nguy cơ tuyệt chủng.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Vũ Thành Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ – Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, việc xây dựng, ban hành một Kế hoạch hành động về “Bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý hiếm, đe dọa tuyệt chủng” là rất cần thiết trong thời gian tới. Kế hoạch này sẽ giúp định hướng, điều phối các nỗ lực bảo tồn, huy động các nguồn lực theo cách tiếp cận thống nhất và đồng bộ. Hành động ưu tiên là xây dựng các kịch bản cho các loài có số lượng thấp, quần thể đơn độc hoặc các loài cực kỳ nguy cấp, đồng thời xem xét tích cực di dời, tái thả và nhân giống các loài ưu tiên.”
Chia sẻ về định hướng thực hiện Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, các hoạt động ưu tiên trong thời gian tới, ông Lê Ngọc Hưng, đại diện Cục Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT cho biết, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến bảo tồn. Trong đó, tập trung xây dựng quy chế quản lý hành lang ĐDSH để kết nối, mở rộng vùng hoạt động của các loài nguy cấp, quý, hiếm; bảo vệ sinh cảnh của các loài và thực hiện các chương trình gây nuôi sinh sản nhằm tái thả và phục hồi các quần thể hoang dã của chúng;
Bộ TN&MT cũng đang xúc tiến thành lập Diễn đàn đối tác về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái. Diễn đàn sẽ giúp duy trì cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác phát triển và nhà tài trợ và khối doanh nghiệp về bảo tồn, phục hồi đa sạng sinh học; tạo lập và duy trì các trao đổi, phản biện nhằm hỗ trợ việc hoàn thiện hệ thống chính sách về đa dạng sinh học. Ngoài ra, các hoạt động kết nối giữa khoa học và chính sách giúp định hướng, thực hiện các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát triển giá trị đa dạng sinh học.