Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều diện tích rừng tại Gia Lai liên tiếp bị xâm hại. Bên cạnh việc cưa hạ cây rừng để lấy gỗ còn xuất hiện tình trạng phá rừng nghi để “trả thù” chủ rừng.
Lai Châu: Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng
Muôn kiểu tận diệt rừng
Khoảng đầu tháng 2/2023, gần 150 cây gỗ lớn trên lâm phần thuộc quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Hde, bị chặt hạ. Hiện trường tại lô 7, khoảnh 7; lô 1, khoảnh 10, tiểu khu 792 để lại là gần 150 cây gỗ có đường kính từ 40 – 60 cm gồm các chủng loại bằng lăng, căm xe, xương cá bị cưa hạ trái phép. Tổng khối lượng gỗ thiệt hại gần 33 m3. Phần lớn thân cây đã bị lấy đi, hiện trường chỉ còn lại bìa gỗ, cành nhánh và mùn cưa. Ít ngày sau, lực lượng chức năng đã xác minh được số gỗ nói trên được tập kết tại nhà dân với mục đích để làm nhà.
Khi các lực lượng chức năng đang xử lý vụ việc cưa hạ cây rừng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Hde, lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro tiếp tục phát hiện khoảnh 5, tiểu khu 780 lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa quản lý (địa giới hành chính xã Chơ Glong, huyện Kông Chro) có 7 cây rừng thuộc chủng loại căm xe, lim xẹt, chò chai và sộp cũng bị cưa hạ ngổn ngang. Tang vật của vụ án phá rừng cũng được tìm thấy tại khu vực Thủy điện Đak Pi Hao II (giáp ranh huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) với một xe độ chế đang vận chuyển 21 lóng gỗ tròn, chủng loại căm xe, lim xẹt, chò chai và sộp thuộc loài thông thường, khối lượng hơn 1,3 m3 và máy cưa. Khi thấy lực lượng chức năng, lái xe đã bỏ lại toàn bộ tang vật, phương tiện và trốn khỏi hiện trường.
Bên cạnh mục đích cưa hạ trái phép hàng trăm cây gỗ rừng để làm nhà, nhiều vụ phá rừng xảy ra tại Gia Lai không chỉ mục đích khai thác để lấy gỗ. Một số vụ phá rừng còn có chủ đích nhằm “trả thù” lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.
Điển hình như vụ phá rừng xảy ra vào cuối tháng 2/2023 tại tiểu khu 114, lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai quản lý (địa giới hành chính xã Sơ Pai, huyện Kbang). Trên lâm phần này, lực lượng chức năng đã phát hiện có 16 cây rừng tự nhiên bị cưa hạ, các cây gỗ có đường kính từ 40 – 90cm. Một số cây gỗ đã bị đối tượng phá rừng “xẻ thịt” mang ra ngoài tiêu thụ; số gỗ bỏ lại hiện trường bị rỗng ruột, hư hỏng hoặc giá trị thấp, tổng khối lượng khoảng 11,463 m3.
Liên quan đến vụ việc này, lực lượng chức năng đã điều tra, tìm ra thủ phạm. Theo Công an huyện K’bang, qua điều tra, cơ quan Công an xác định các đối tượng gồm Nguyễn Văn Kiên (tên gọi khác là Huệ, 39 tuổi), Đinh Văn Nhâu (28 tuổi), Đinh Nhi (19 tuổi), cùng trú làng Buôn Lưới, xã Sơ Pai, huyện K’Bang và 2 đối tượng (chưa rõ lai lịch) đã thực hiện hành vi khai thác gỗ trái phép quy mô lớn xảy ra tại tiểu khu 114, 118 lâm phần do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai quản lý.
Ngày 19/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K’Bang đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đinh Văn Nhâu. Đối tượng Đinh Nhi được gia đình bảo lãnh và cơ quan Công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý. Riêng đối tượng Nguyễn Văn Kiên đã bỏ trốn nên cơ quan Công an đã ra quyết định truy tìm.
Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai lý giải: Ngoài tình trạng phá rừng để khai thác gỗ, trên khu vực rừng do công ty quản lý còn xuất hiện tình trạng phá rừng có chủ đích. Người dân cưa hạ cây rừng để lấy gỗ làm hòm theo phong tục người địa phương, lấn chiếm rừng làm nương rẫy… còn có tình trạng cưa hạ cây rừng với mục đích “trả thù”. Vì thế, công tác quản lý, bảo vệ rừng của Công ty gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ rừng ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai bị xâm hại, tại huyện Krông Pa cũng đang nóng tình trạng phá rừng trái phép để làm nương rẫy. Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cùng các lực lượng chức năng phát hiện tại khoảnh 2, tiểu khu 1361, địa giới hành chính xã Ia Mlah có 1.100m2 rừng phòng hộ bị phá trái phép, làm nương rẫy. Đây là diện tích rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi.
Có thể thấy, tình trạng lấn chiếm đất rừng, sẵn sàng xung đột với chủ rừng bằng các hành động như chặt phá rừng trồng, chặt hạ cây rừng với mục đích phá hoại để gây điểm nóng về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thậm chí không ít đối tượng “lâm tặc” còn ngã giá với chủ rừng để được khai thác, nếu không chấp nhận sẽ bị trả giá bằng việc tạo ra điểm nóng. Việc rất nhiều vụ phá rừng không tìm ra thủ phạm cộng với việc các đối tượng phá rừng nắm rõ chế tài xử lý về hành vi phá hoại rừng dưới mức bị khởi tố đã khiến cho công tác bảo vệ rừng tại Kbang nói riêng và Gia Lai nói chung thêm nhiều áp lực.
Xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại rừng
Trước tình trạng phá rừng xảy ra liên tục, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đang tiếp tục điều tra, làm rõ các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, từ nhiều vụ việc phá rừng cũng đã chỉ ra các tồn tại cố hữu trong công tác quản lý và bảo rừng trên địa bàn tỉnh.
K’bang – địa phương tập trung nhiều rừng nhất của tỉnh Gia Lai, có thể xem là “điểm nóng” của nạn phá rừng. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K’bang Nguyễn Văn Dũng đã chỉ đạo Công an huyện huy động toàn bộ lực lượng để điều tra, xử lý các đối tượng phá rừng tại tiểu khu 114. Đồng thời, cơ quan chức năng đã có danh sách các đối tượng nghi vấn và đang khẩn trương truy xét, làm rõ. “Quan điểm của huyện là sẽ làm rõ, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan. Công ty buông lỏng quản lý phải chịu trách nhiệm, cá nhân vi phạm phải bị xử lý theo quy định pháp luật” – ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện K’bang yêu cầu các đơn vị chủ rừng, lực lượng làm quản lý, bảo vệ rừng cần hài hòa, tránh để xảy ra xung đột với người dân; dựa vào sức mạnh toàn dân cùng tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cũng cùng chung quan điểm xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro Võ Nguyên Nam khẳng định, huyện đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm và làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan các vụ việc phá rừng. Huyện cũng đã xây dựng các phương án, giải pháp cụ thể, quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa phương. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao mức sống, tạo sinh kế để người dân không còn phụ thuộc vào rừng, tiến tới làm giàu nhờ rừng.
Với hơn 632.000 ha, hiện nay, Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước và lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong thời gian qua, rừng tự nhiên của tỉnh Gia Lai vẫn tiếp tục suy giảm về diện tích và trữ lượng; tỷ lệ che phủ rừng là 46% – thấp hơn bình quân chung của toàn vùng. Đặc biệt, các vụ phá rừng tại Gia Lai thường được phát hiện chậm, việc điều tra, xử lý còn nhiều hạn chế.