Một cá thể vượn đen má trắng quý hiếm vừa được người dân bàn giao cho lực lượng kiểm lâm chăm sóc, thả về tự nhiên.
Chiều 21-3, các cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM vừa đến trụ sở Công an phường An Lạc A, quận Bình Tân để tiếp nhận một con vượn đen má trắng do người dân bàn giao.
Ông Thái Minh Dương (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết con vượn được một người bạn tặng và ông nuôi làm thú cưng đã khoảng năm năm nay.
Thời gian gần đây, ông Dương mong muốn con vật được chăm sóc tốt hơn và được thả về tự nhiên nên đã liên hệ với kiểm lâm để bàn giao.
Kiểm lâm bước đầu xác định đây con vượn đen má trắng đực, nặng khoảng 4,6kg, tên khoa học là Nomascus leucogenys, thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.
Vượn đen má trắng là loài bản địa của Việt Nam, Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nằm trong nhóm linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Hồi năm 2013, loài này được cho là đã biến mất hoàn toàn ngoài tự nhiên ở Trung Quốc.
Vượn đen má trắng được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN Red Book).
Hồi tháng 7-2011 các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) phát hiện một cộng đồng loài vượn này sinh sống thành từng đàn nhỏ trong những cánh rừng xa xôi thuộc Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An, giáp biên giới với Lào.
Theo Wikipedia, đây là một loài động vật cực kỳ đặc biệt, con cái và con đực có ngoại hình khác nhau. Con đực có lông đen toàn cơ thể và nổi bật với hai chòm lông trắng trên má… Trong khi con cái có màu nâu đỏ…
Tiếng hót của vượn đen má trắng là một trong những tiếng hót phức tạp nhất trong số các loài vượn. Những tiếng hót đặc biệt nhất được thực hiện bởi một cặp song ca đực – cái vào lúc bình minh hay những ngày nắng đẹp. Đây cũng là loài sống “một vợ một chồng”, liên kết cặp đôi lâu dài.