Tình trạng săn bắt, buôn bán các loài động vật hoang dã vẫn diễn ra phức tạp, mặc dù cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc, bắt giữ, xử lý hình sự nhiều đối tượng nhưng thực trạng này vẫn nhức nhối.
Ngày 20/3, Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép ngà voi tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng). Cụ thể, khi lô hàng cập cảng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành giám sát trọng điểm, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container và kiểm tra thủ công toàn bộ lô hàng sau khi phân tích hình ảnh có nghi vấn.
Kết quả khám xét, lực lượng chức năng phát hiện trong container mang số hiệu UACU3786863 ước tính chứa khoảng 7 tấn ngà voi, là số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng.
Theo cơ quan Hải quan, lô hàng này xuất phát từ Angola, được chuyển tải tại Singapore nhằm che giấu tuyến đường vận chuyển; mô tả tên hàng hóa bằng ngôn ngữ không phổ thông và sử dụng thông tin người nhận hàng không chính xác… Đây là thủ đoạn mới, hết sức tinh vi, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan.
Được biết, lô ngà voi vừa bị bắt giữ thuộc phụ lục I của Công ước CITES, nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, vi phạm quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.
Trước đó, đầu tháng 2/2023, Cục Hải quan TP Hải Phòng cũng đã phát hiện 117 khúc ngà voi, nặng 490kg nhập lậu từ châu Phi vào cảng Lạch Huyện.
Hiện Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.
Liên quan đến vấn đề pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngà voi nằm trong danh mục hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh quy định tại Điểm 8 Phụ lục I Nghị định số 56/2009/NĐ-CP: “Thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác và sử dụng” và là hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định tại Phụ lục I Công ước CITES. Do đó, hành vi buôn lậu ngà voi là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Luật sư Tiền, với số lượng ngà voi buôn lậu lớn như vậy, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết định khung tăng nặng “ngà voi có khối lượng từ 90kg trở lên”. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, người này còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 4 Điều 244 Bộ luật này.
Pháp luật hiện hành đã quy định rất cụ thể các chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi, nhưng trên thực tế tình trạng buôn bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi, xương voi và lông voi vẫn còn tồn tại, cho thấy công tác thực thi còn chưa được chặt chẽ, nghiêm minh.
Do vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, điều tra để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp săn bắn trái phép, buôn bán ngà voi cũng như các chế tác từ ngà voi, xương voi… Các vi phạm bị phát hiện phải bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến đến người dân, nâng cao nhận thức của mọi người về pháp luật và về sự cần thiết của việc ngừng tiêu dùng sản phẩm từ voi để bảo tồn loài voi cũng như các loài động vật hoang dã khác.