Tại Hà Nội, các nhà khoa học của Viện Dược liệu đã xây dựng, giới thiệu với khách tham quan một mô hình vườn cây thuốc đặc biệt, bao gồm hơn 50 loài cây thuốc phổ biến, thường dùng trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh mà trước đây cho là cần sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.
Ngày 17/3, trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp dưới sự hỗ trợ từ USAID, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Dược liệu quốc gia (Bộ Y tế) Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) và Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam đã khai mạc triển lãm “Tài nguyên dược liệu Việt Nam – Chung tay bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp”.
Triển lãm được tổ chức trong 3 ngày, từ 17-19/3, gồm 2 phần chính: Thứ nhất là quảng bá sự đa dạng phong phú của nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam tại Bảo tàng Dược liệu Việt Nam (Viện Dược liệu).
Tại đây, khách quan tham có cơ hội tìm hiểu về công dụng và lợi ích của nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng tại Việt Nam; trải nghiệm các hoạt động như quan sát và tham gia vào quy trình làm tiêu bản mẫu dược liệu, nhận dạng loại cây thuốc và trao đổi với các chuyên gia về động vật hoang dã.
Phần thứ hai của triển lãm là giới thiệu mô hình Vườn cây thuốc tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19/12), gồm một số loài cây dược liệu có công dụng chữa trị và hỗ trợ điều trị những chứng bệnh được cho là cần sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã.
Mục tiêu của triển lãm nhằm tôn vinh và ghi nhận tầm quan trọng của tất cả các loài động, thực vật hoang dã trên thế giới đối với cuộc sống và sức khỏe của hành tinh, đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ các loài động vật hoang dã khỏi nguy cơ bị săn bắn, buôn bán trái phép vì mục đích chăm sóc sức khỏe và nâng cao hiểu biết của cộng đồng trong việc sử dụng an toàn, bền vững nguồn tài nguyên cây dược liệu.
Phát biểu khai mạc triển lãm, TS Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu cho biết, Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Việt Nam có hơn 20 nghìn loài thực vật trên cạn và dưới nước đã được ghi nhận. Một số lượng không nhỏ trong số các loài thực vật kể trên đã được người dân Việt Nam sử dụng trong chăm sóc sức khỏe.
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, tính đến năm 2016, đã ghi nhận 5.117 loài/thứ thực vật bậc cao có mạch, một số taxon nấm và tảo được dùng làm thuốc. Và con số này sẽ còn tăng lên nếu tiếp tục điều tra đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu trên cả nước.
Đồng thời, theo kết quả điều tra nghiên cứu của Viện Dược liệu, tri thức truyền thống và kiến thức bản địa trong sử dụng các loại cây thuốc, bài thuốc ở nước ta vô cùng phong phú. Trong số đó, có những loài cây dược liệu và bài thuốc có công dụng điều trị hoặc hỗ trợ điều trị hiệu quả nhiều chứng bệnh mà xưa nay được cho là cần sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã như mật gấu, vảy tê tê, sừng tê giác…
Viện Dược liệu hy vọng, thông qua triển lãm này sẽ thúc đẩy cộng đồng sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dược liệu, góp phần nâng cao nhận thức trong việc giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Tuyết Trinh, Giám đốc Văn phòng Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho biết, thông qua hợp tác với Viện Dược liệu quốc gia, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam mong muốn nâng cao nhận thức và giảm nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong y học cổ truyền.
Triển lãm lồng ghép các thông điệp truyền thông thay đổi hành vi để cảnh báo về nhu cầu và mức tiêu thụ đáng báo động các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong y học học cổ truyền, và xóa bỏ quan niệm sai lệch coi các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật là phương thuốc chữa bách bệnh.
Tại Phố Sách Hà Nội, mô hình vườn cây thuốc được giới thiệu có diện tích hơn 60m2, gồm hơn 50 loài cây thuốc phổ biến, thường dùng trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh trước đây cho rằng cần sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật, chẳng hạn như Lactuca indica L. (bồ công anh), Lonicera japonica Thunb. (cây kim ngân), Ocimum tenuiflorum L. (hương nhu), Clerodendrum chinensis var. simplex (Mold.) SL Chen. (bạch đồng nữ), Styphnolobium japonicum (L.) Schott. (cây hòe),…
Vườn cây thuốc sẽ là mô hình mẫu cho các sự kiện sắp tới của Viện Dược liệu, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong lĩnh vực y học cổ truyền nhằm xây dựng và phát triển một nền y học cổ truyền đổi mới, bền vững trong tương lai.
Mô hình Vườn cây thuốc được trưng bày đến hết ngày 23/3.