Ngày Quốc tế về rừng năm nay có chủ đề “Rừng và sức khỏe”. Điều đó khẳng định vai trò quan trọng của rừng đối với sức khỏe của con người, đồng thời mong muốn nhân loại chung tay bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu mất rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Mặc dù chủ đề “Rừng và sức khỏe” rất mới nhưng thực tế cho thấy rừng luôn tác động đến sức khỏe con người dù trực tiếp hay gián tiếp. Rừng cung cấp hàng nghìn loại dược liệu quý hiếm, giúp con người chữa lành bệnh tật, thêm sức khỏe để học tập, lao động và kéo dài tuổi thọ. Ở một khía cạnh khác, rừng mang lại cho con người sự che chở, thư thái mỗi khi mệt mỏi…
Trong báo cáo “Sức sống của rừng”, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã xem xét 5 mối tương tác giữa rừng và sức khỏe con người gồm các bệnh không lây nhiễm, các bệnh do tiếp xúc với môi trường (ô nhiễm), các bệnh liên quan đến thực phẩm và dinh dưỡng, các mối nguy vật lý, các bệnh truyền nhiễm. Với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của rừng trong việc hỗ trợ khả năng chống chịu của con người trước biến đổi khí hậu.
Trước hết, rừng giúp làm sạch không khí và nước bằng cách lọc chất ô nhiễm từ không khí và nước, nhờ đó giảm thiểu các mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm liên quan đến ô nhiễm. Nghiên cứu của WWF cho thấy, cứ tăng 30% độ che phủ cây ở thượng nguồn thì có liên quan đến giảm 4% xác suất mắc bệnh tiêu chảy cho cộng đồng.
Rừng giúp chống lại xói mòn đất, giữ lại dinh dưỡng và nước ngọt để canh tác nông nghiệp bền vững. Rừng còn mang lại giá trị to lớn về dược liệu, cung cấp cho con người hàng nghìn loài thực vật để chữa bệnh, để tăng sức đề kháng hoặc đơn giản để bồi bổ cơ thể. Điều này thấy rõ ở Lào Cai: Dược liệu từ rừng tạo ra hàng nghìn bài thuốc Nam chữa bệnh và các loài thảo dược kết hợp với nhau tạo nên thương hiệu “tắm thuốc” mà ai cũng thấy công hiệu của nó.
Rừng có thể bảo vệ con người khỏi tác động của thiên tai. Ở khu vực vùng núi như Lào Cai, rừng giúp chống lại sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… Hoặc đơn giản nhất, rừng giúp con người chống lại các bệnh liên quan do tác động của nhiệt độ cao từ ánh nắng mặt trời.
Rừng là tuyến phòng thủ chống lại các loại bệnh truyền nhiễm. Theo WWF, gần 1/3 đợt bùng phát dịch bệnh mới và đang phát sinh có liên quan đến việc thay đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng…
Là tỉnh miền núi, diện tích có rừng của Lào Cai là 382.861,1 ha, chiếm gần 60% diện tích tự nhiên. Tỉnh đã và đang khai thác nguồn lợi từ rừng để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong tỉnh cũng như khách du lịch. Điển hình như việc tổ chức các tua du lịch leo núi chinh phục đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương và đỉnh Lảo Thẩn, Ky Quan San (huyện Bát Xát), với các hoạt động trải nghiệm thực tế trong rừng thu hút đông du khách. Sau mỗi chuyến leo núi chinh phục đỉnh cao, được “tắm rừng”, du khách như được tiếp thêm năng lượng, sức sống mới. “Lào Cai đang có những hướng đi bền vững để khai thác nguồn lợi từ rừng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân”, ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định.
Để giữ được rừng, để rừng mang lại nguồn lợi kinh tế cũng như bảo vệ sức khỏe cho người dân, trong những năm qua, Lào Cai đã thực hiện nghiêm việc bảo vệ rừng từ cơ sở. Đối với công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kế hoạch dài hạn, phương án quản lý rừng bền vững, đề án du lịch sinh thái, kế hoạch phát triển kinh tế đồi rừng gắn với khai thác rừng bền vững được thực hiện trực tiếp và gián tiếp.
Về việc khai thác rừng trực tiếp, tỉnh đang tận dụng điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để gây trồng các loài dược liệu, cây đa tác dụng. Hiện tỉnh có hơn 850 loài cây thuốc, chiếm 21,5% số loài cây thuốc của Việt Nam, gồm 78 loài có tiềm năng khai thác, 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược; một số còn là đặc hữu chỉ Lào Cai có như Hoàng Liên gai, thất diệp nhất chi hoa, linh chi… Một số địa phương trong tỉnh còn trồng các cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao như bình vôi, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, atiso, đỗ trọng, độc hoạt, đương quy, tam thất, xuyên khung, bạch truật; xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ.
Về khai thác rừng gián tiếp, tỉnh đang thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện, công ty kinh doanh nước sạch và nuôi thủy sản nước lạnh. Trong năm 2022, toàn tỉnh thu được gần 172 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Con số trên vẫn còn “khiêm tốn” so với tiềm năng, thế mạnh lâm nghiệp của tỉnh. Trong thời gian tới, Lào Cai định hướng xây dựng tín chỉ các-bon rừng cho các chủ rừng trên địa bàn, từ đó tăng nguồn thu, thúc đẩy kinh tế rừng phát triển.
Nhân loại ngày càng nhận thấy rừng là ngôi nhà thiên nhiên của con người và của mọi giống loài. Con người có thể tạo ra mọi thứ nhưng không thể tái tạo được những khu rừng nguyên sinh với sự đa dạng, phức tạp của thảm động thực vật và vi sinh vật của các khu rừng nguyên thủy. Ngược lại, con người chỉ có thể dựa vào rừng để phát triển xã hội, để sinh kế và cũng chỉ có thể dựa vào rừng để tái tạo môi trường sống lý tưởng cho trái đất. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vũ Hồng Điệp cho rằng, với áp lực dân số, công cuộc công nghiệp hóa và sự phát triển kinh tế, Lào Cai cũng như các địa phương trong cả nước đang phải đối mặt với những thách thức về bảo vệ và phát triển rừng. Do vậy, chúng ta cần thay đổi, hướng đến cách tiếp cận hài hòa, đồng bộ, phát triển kinh tế gắn với phát triển lâm nghiệp bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng trên nguyên tắc không đánh đổi sự tăng trưởng bằng sự hủy hoại rừng, mất rừng.
Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể cho ngành lâm nghiệp: “Phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững. Tập trung quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, tăng sinh thủy, đảm bảo các mục tiêu về kinh tế – xã hội và môi trường. Hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng… đảm bảo đủ các điều kiện để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, tín chỉ các-bon rừng để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp”. Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho thấy quyết tâm của Lào Cai trong việc bảo vệ và phát triển rừng.