Ngày 15/3, Cơ quan Phát triển Pháp và Bộ Tài nguyên-Môi trường công bố 2 báo cáo về đánh giá tác động kinh tế-xã hội của biến đổi khí hậu và chiến lược thích ứng của quốc gia đến năm 2050.
Ngày 15/3, tại Hà Nội, Cục Biến đổi Khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) công bố các Báo cáo: “Tác động Biến đổi khí hậu Quốc gia và thích ứng-Báo cáo cuối cùng,” “Tình trạng cấp bách của Đồng bằng sông Mekong-Chiến lược thích ứng môi trường và xã hội tới năm 2050.”
Trên cơ sở công trình nghiên cứu của nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Việt Nam, Pháp và quốc tế, các báo cáo này đã xây dựng các luận điểm khoa học mạnh mẽ nhằm lồng ghép yếu tố thích ứng vào trong các chiến lược phát triển. Thông qua việc đưa trực tiếp các kết quả khoa học lên cấp độ chính sách, công trình nghiên cứu này có mục tiêu cung cấp thông tin cho các thảo luận khoa học chính sách về cách thức tốt nhất để thích ứng với tác động của khí hậu và những thay đổi ở địa phương.
Phiên bản tiếng Anh của hai báo cáo đã được ông Remy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp chính thức trao cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà, tại sự kiện bên lề Hội nghị khí hậu toàn cầu tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP 27), tháng 11/2022 tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập.
Hoan nghênh việc trao và công bố các báo cáo này, đây là hành động tiếp nối cho những cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), ông Hervé Conan, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam khẳng định Pháp luôn sát cánh cùng chính phủ Việt Nam để hỗ trợ phát triển các chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia.
Ông Edmond Dounias, Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD) tại Việt Nam chia sẻ bên cạnh việc cung cấp những bằng chứng dựa trên cơ sở khoa học về tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Mekong, các báo cáo đa ngành này đưa ra những lộ trình đổi mới và thực tế cần thực hiện nhằm chuyển đổi những thực tế này thành hành động”.
Đánh giá cao những nỗ lực của nhóm các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam trong việc xây dựng các báo cáo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết các báo cáo này chứa đựng nhiều thông tin phân tích, dữ liệu tham khảo hữu ích để phát triển Chiến lược biến đổi khí hậu quốc gia cũng như chiến lược, kế hoạch thích ứng tại Việt Nam.
Báo cáo “Tác động của biến đổi khí hậu quốc gia và Thích ứng – Báo cáo cuối cùng,” cung cấp một loạt kịch bản khí hậu mới cho Việt Nam, xem xét đánh giá các cơ hội phát triển công nghiệp và công nghệ cho quốc gia trong “cuộc đua xanh,” thực hiện đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu đối với chiến lược thích ứng ở cấp độ kinh tế vĩ mô.
Báo cáo nhấn mạnh tới việc trước bối cảnh biến đối khí hậu, chiến lược phát triển và công nghiệp của Việt Nam sẽ phải được điều phối như thế nào giữa những vấn đề tài chính vĩ mô, mức độ dễ bị tổn thương đa chiều do tác động không thể tránh khỏi, sự phụ thuộc hiện nay theo hướng phát thải cao và triển vọng áp dụng công nghệ mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp xanh.
Báo cáo “Tình trạng cấp bách của Đồng bằng sông Mekong-Chiến lược thích ứng Môi trường và khí hậu tới năm 2050,” xem xét đánh giá mức độ phù hợp của các kế hoạch phát triển hoặc thích ứng hiện có cho Đồng bằng sông Mekong đối với những thay đổi về môi trường hiện nay và trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh rằng những áp lực môi trường hiện tại vẫn chưa được tính tới một cách đầy đủ.
Báo cáo đưa ra một số cơ hội và một số khó khăn kìm hãm công tác triển khai hiệu quả chiến lược thích ứng hoặc giảm thiểu trong một số khu vực, cung cấp một số khuyến nghị có thể cần được lồng ghép vào chiến lược thích ứng cập nhật.