Báo cáo của IPCC trình bày chi tiết về các biến đổi được dự báo và quan sát trong hệ thống khí hậu trái đất, các tác động trong quá khứ lẫn tương lai như các đợt nắng nóng, lũ lụt và nước biển dâng.
Ngày 13/3, các nhà ngoại giao đến từ gần 200 quốc gia và các nhà khoa học khí hậu hàng đầu bắt đầu cuộc họp kéo dài một tuần ở Thụy Sĩ để chắt lọc tài liệu khoa học của gần một thập niên thành một báo cáo dài 20 trang nhằm cảnh báo nguy cơ hiện hữu của tình trạng ấm lên toàn cầu cũng như đề xuất những giải pháp đối với vấn đề này.
Báo cáo tổng hợp của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc sẽ được công bố vào ngày 20/3, trong đó sẽ trình bày chi tiết về các biến đổi đã được dự báo và quan sát được trong hệ thống khí hậu của Trái Đất, các tác động trong quá khứ lẫn tương lai như các đợt nắng nóng, lũ lụt và nước biển dâng, và các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm khí thải carbon.
Trao đổi với báo giới, ông Oliver Geden, một trong những tác giả chính của báo cáo và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện các vấn đề an ninh quốc tế của Đức, cho biết :”Báo cáo tổng hợp này có ý nghĩa quan trọng bởi đây sẽ là báo cáo mới nhất của IPCC cho một số năm và là một trong những nguồn kiến thức chính sẽ được xem xét trong bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stocktake) theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.
Một trong những nội dung chính mà báo cáo của IPCC có thể đặc biệt đề cập đến là mối đe dọa tiềm tàng của nền nhiệt tăng cao đe dọa tính mạng của con người.
Báo cáo tổng hợp cũng sẽ phản ánh cuộc tranh luận về cách thức tốt nhất để khử carbon cho nền kinh tế toàn cầu. Một số nhà khoa học sẽ nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi một số khác sẽ nêu bật tiềm năng của các giải pháp công nghệ.
Về phần mình, bà Kaisa Kosonen, cố vấn chính sách cấp cao của tổ chức Greenpeace Bắc Âu, một quan sát viên chính thức tại các cuộc họp của IPCC, cho biết sự kiện IPCC công bố báo cáo tổng hợp trên sẽ là “thời khắc quan trọng” kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua hồi năm 2015.
Bà Kosonen nhấn mạnh: “Chính các nhà khoa học sẽ thông báo với các chính phủ rằng họ đang làm như thế nào trong những năm có ý nghĩa quan trọng này.”
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia cam kết sẽ cùng nhau nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất không quá 2 độ C và tham vọng hơn là chỉ tăng khoảng 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Kể từ cuối thế kỷ 19, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất đã tăng hơn 1,1 độ C, đủ để khuếch đại mức độ thảm họa thời tiết ở mọi châu lục. Ngay cả với một kịch bản lạc quan, khi thế giới hạn chế mức tăng nhiệt độ là 1,8 độ C, theo một số nhà khoa học, thì đến năm 2100, một nửa nhân loại có thể có thể phải đối mặt với các giai đoạn điều kiện khí hậu đe dọa đến tính mạng do tác động kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm cực cao.
Bên cạnh đó, đã có những dự đoán tương tự về sức khỏe, hệ thống lương thực toàn cầu và năng suất kinh tế.