Các cá thể động vật hoang dã được tái thả đều được giải cứu từ các vụ buôn bán, nuôi nhốt, sau một thời gian cứu hộ, chăm sóc và kiểm tra sức khỏe, đảm bảo tiêu chí được tái thả về với thiên nhiên.
Thực hiện dự án “Điều tra bảo tồn, cứu hộ và nuôi dưỡng các loài Rùa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020-2023”, đến nay, các kiểm lâm viên thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn đã phát hiện được 4 cá thể rùa Hộp trán vàng miền Bắc, hai cá thể rùa Đầu to, hai cá thể rùa Núi viền và các loài rùa đất Speng lơ, rùa Sa nhân, rùa Bốn mắt, Ba ba trơn mỗi loài phát hiện được một cá thể.
Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cho biết trong 3 năm triển khai dự án, Ban Quản lý đã tiến hành 7 đợt điều tra thực địa trên 28 tuyến với tổng chiều dài hơn 184km, đặt 59 bẫy ảnh trong khu vực nghiên cứu.
Đơn vị in 200 cuốn tài liệu cấp phát cho người dân thuộc 5 xã, 6 trường học trên địa bàn; tổ chức 5 buổi tập huấn nâng cao nhận thức cho chính quyền địa phương với 230 người tham dự về bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn các loài rùa nói riêng.
Bên cạnh đó, Dự án tổ chức 11 hội nghị tại các thôn thuộc vùng đệm để tuyên truyền về bảo tồn các loài Rùa và các loài động vật hoang dã với hơn 1.000 lượt người tham gia; phối hợp với các đơn vị tổ chức 3 lớp tập huấn cho 60 lượt cán bộ Khu Bảo tồn nắm vững về phương pháp, kỹ năng điều tra, nhận dạng loài, điều tra sinh cảnh về hiện trạng các loài rùa.
Hiện Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên phối hợp Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thực hiện việc tái thả hơn 100 cá thể thuộc 18 loài động vật hoang dã trở về tự nhiên, trong đó, có 27 cá thể rùa Hộp trán vàng miền Bắc, hai cá thể rùa Sa nhân, 12 cá thể rùa Đầu to, 21 cá thể rùa Bốn mắt…
Các cá thể động vật hoang dã được tái thả đều được giải cứu từ các vụ buôn bán, nuôi nhốt, sau một thời gian cứu hộ, chăm sóc và kiểm tra sức khỏe, đảm bảo tiêu chí được tái thả về với thiên nhiên.
Dự án được thực hiện sẽ góp phần bảo vệ bền vững các hệ sinh thái đặc trưng của các khu rừng Xuân Liên, duy trì ổn định và phục hồi phát triển các loài rùa quý hiếm. Qua đó, đưa ra các phương án bảo tồn phù hợp nhằm bảo vệ, duy trì sự tồn tại của các loài rùa, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, trong số các cá thể rùa được phát hiện, nhiều loài đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn.
Có thể kể đến loài rùa Hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons) có mai màu nâu hoặc màu hạt dẻ, chính giữa lưng có một vệt dài, mảnh màu vàng.
Trên thế giới, rùa Hộp trán vàng đã xuất hiện tại Trung Quốc, Lào. Ở Việt Nam, loài này phân bố từ Quảng Bình trở ra miền Bắc; tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên phân bố tại các tiểu khu 489, 495 và 520.
Loài rùa Núi viền (Manouria impressa) trên đầu rùa có nhiều tấm sừng, mai rùa không gồ cao, chân hình trụ, yếm màu vàng có các tia phóng xạ màu nâu, thường sống ở những khe rãnh, thung lũng ẩm ướt độ cao 1.500m.
Thức ăn của chúng là các loại quả rụng, mầm cỏ, các loại nấm. Trên thế giới, loài rùa này đã xuất hiện tại Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Việt Nam (các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Tuyên Quang).
Tại Thanh Hóa, loài rùa Núi viền đã xuất hiện tại các tiểu khu thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.
Rùa đầu to (Platysternon megacephalum) không thụt vào trong mai được, mỏ to, mai màu xám, bụng màu vàng rất nhạt, đuôi dài gần bằng chiều dài thân.
Rùa sống ở các suối trong rừng thường xanh núi cao còn tốt, thức ăn chủ yếu là cá nhỏ, cua, giun đất và những động vật không xương sống khác.
Rùa thường đẻ hai trứng vào mùa Hè. Loài này phân bố tại Trung Quốc, Thái Lan, Lào; ở Việt Nam hay gặp tại các khu rừng thuộc khu vực Tây Nguyên và tỉnh Thanh Hóa.
Các loài như rùa Bốn mắt (Sacalia quadriocellata), Ba ba trơn (Pelodiscus sinensis), rùa Speng lơ (Geoemyda spwngleri), rùa Sa nhân (coura mouhotii)… được phân bố rộng rãi tại các tỉnh trên cả nước và Thanh Hóa.
Hiện số lượng các loài động vậy quý hiếm này đang ít dần đi. Vì vậy, dự án thực hiện trên giúp bảo tồn, duy trì nguồn gen các loài rùa quý hiếm lâu dài, qua đó người dân địa phương nâng cao trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học bền vững tài nguyên rừng trong khu bảo tồn.