Theo một nghiên cứu mới công bố, một nhóm các thành phố lớn nhất châu Á có thể chìm nghỉm dưới nước vào năm 2100 do mực nước biển dâng cao. Thế giới cần hành động chống biến đổi khí hậu một cách cấp bách để bảo vệ hàng triệu người sống ở các siêu đô thị ven biển.
Đánh giá đúng tác động
Dẫn một nghiên cứu khoa học, hãng tin Reuters cho biết, mực nước biển tăng lên do nhiệt độ đại dương tăng lên và mức độ băng tan chưa từng có do biến đổi khí hậu gây ra.
Bài viết đăng trên tạp chí Nature Climate Change đã đưa ra những cảnh báo rõ ràng về tác động tồi tệ có thể xảy ra đối với hàng triệu người. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các phân tích trước đây đã đánh giá thấp mức độ dâng của mực nước biển và lũ lụt do biến động tự nhiên của đại dương gây ra. Do các biến động tự nhiên có mức độ biến thiên cao nên tác động của chúng rất khó định lượng. Theo kết quả nghiên cứu, một số siêu đô thị ở Đông Nam Á sẽ trở thành điểm nóng mới khi mực nước biển dâng cao.
Nghiên cứu dự đoán, các sự kiện lũ lụt ven biển tại thủ đô Manila của Philippines trong thế kỷ tới sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.
Ông Lourdes Tibig – cố vấn khoa học khí hậu của Viện Khí hậu và Thành phố bền vững ở Philippines – nhấn mạnh tính cấp bách của việc giải quyết biến đổi khí hậu. “Thế giới cần hành động chống biến đổi khí hậu một cách cấp bách hơn nhiều để bảo vệ hàng triệu người sống ở các siêu đô thị ven biển” – vị này nói.
Tuy nhiên, thành phố Manila có hơn 13 triệu người sinh sống không phải là nạn nhân duy nhất đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm. Nghiên cứu nêu rõ, Thủ đô Bangkok của Thái Lan, TP Hồ Chí Minh của Việt Nam và Yangon của Myanmar cùng với Chennai và Kolkata ở Ấn Độ, một số hòn đảo nhiệt đới phía Tây Thái Bình Dương và phía Tây Ấn Độ Dương có nguy cơ đặc biệt cao. Mực nước biển dâng dọc theo bờ biển phía Tây của Mỹ và Australia cũng sẽ tăng lên.
Chỉ tính riêng các siêu đô thị châu Á, trên 50 triệu người có thể bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao, trong đó gần 30 triệu người ở Ấn Độ. Dự báo về thay đổi mực nước biển nêu trong nghiên cứu sẽ không xảy ra trước khi kết thúc thế kỷ 21. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, nếu tốc độ phát thải khí nhà kính tăng lên, mối đe dọa sẽ trở nên cận kề hơn.
Nhà khoa học Aixue Hu của NCAR – một trong những tác giả của nghiên cứu – cho biết, các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng nên quan tâm đến những mối đe dọa tiềm tàng này. “Chúng ta phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất” – chuyên gia Hu nói.
Theo một thông cáo báo chí của NCAR, các sự kiện tự nhiên như El Nino – một hiện tượng thời tiết khiến phần lớn Tây Thái Bình Dương, Australia và châu Á ấm hơn bình thường – có thể làm tăng 20-30% mực nước biển so với dự đoán trước đó.
Biến đổi khí hậu đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm ngoái. Một phân tích của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) đã mô tả, năm 2022 là “một năm khí hậu cực đoan”, bao gồm lũ lụt chết người ở Pakistan và lũ lụt trên diện rộng ở Australia.
Nguy cơ cao từ băng tan
Một nghiên cứu mới cũng được đăng trên tạp chí Nature Climate Change chỉ ra rằng, “băng zombie” tan nhanh chóng ở Greenland sẽ nâng mực nước biển toàn cầu lên ít nhất 27 cm, cao gấp đôi so với dự báo trước đó.
Theo hãng tin AP, “băng zombie” là lớp băng đã chết, dù vẫn bám vào những tảng băng dày hơn, nhưng không còn được bồi đắp vì tuyết rơi ít hơn trên các sông băng chính. Nhà nghiên cứu băng học William Colgan tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland, cho biết, nếu không được bồi đắp, “băng zombie” sẽ tan chảy nhanh chóng do biến đổi khí hậu và chắc chắn sẽ khiến mực nước biển dâng cao.
“Băng zombie” là lớp băng chết. Nó sẽ tan chảy và biến mất khỏi tảng băng. Lớp băng này sẽ tan chảy vào đại dương, bất kể chúng ta đối mặt kịch bản khí hậu nào” – ông Colgan giải thích.
Nhà băng học Jason Box, tác giả chính của nghiên cứu, mô tả tình trạng này giống như “đặt một bàn chân vào nấm mồ”. Nghiên cứu của ông chỉ rõ rằng, việc mực nước biển dâng cao gấp đôi so với dự đoán trước đây là do lớp băng ở Greenland tan chảy mạnh. Nghiên cứu trên tạp chí Nature Climate Change dự đoán, mực nước biển còn có thể dâng cao 78cm. Trong khi đó, báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu năm ngoái dự báo mực nước biển sẽ dâng từ 6 – 13cm nếu băng ở Greenland tan chảy vào năm 2100.
Các nhà khoa học đã xem xét các tảng băng ở trạng thái cân bằng. Ở trạng thái cân bằng hoàn hảo, tuyết rơi trên các ngọn núi ở Greenland chảy xuống và làm dày các bề mặt sông băng, bù đắp phần đang tan chảy ở các rìa băng. Nhưng trong vài thập kỷ qua, lượng tuyết rơi xuống ngày càng ít hơn, trong khi quá trình tan chảy diễn ra mạnh hơn, dẫn đến trạng thái mất cân bằng. Các tác giả nghiên cứu đã xem xét tỷ lệ bổ sung và tan chảy, họ kết luận 3,3% tổng khối lượng băng của Greenland sẽ tan chảy bất kể thế giới cắt giảm ô nhiễm carbon như thế nào.
Bà Ellyn Enderlin – giáo sư khoa học địa chất tại Đại học Bang Boise, cho rằng mực nước biển dâng 27 cm chỉ là mức trung bình toàn cầu. Còn tại một số nơi xa Greenland, mực nước biển sẽ dâng lên cao hơn, trong khi những nơi gần hơn – như Bờ Đông nước Mỹ, mực nước biển sẽ dâng ít hơn. Nhà khoa học địa chất này cảnh báo, mực nước biển dâng cao sẽ tạo ra triều cường và bão mạnh hơn, gây tác động rất lớn đến xã hội, kinh tế và môi trường. |