Theo nghiên cứu mới công bố ngày 8-3, ước tính có 171 ngàn tỉ hạt nhựa trôi nổi trên bề mặt các đại dương và nếu tập hợp lại, chúng nặng tới 2,3 triệu tấn.
Các nhà khoa học quốc tế đã phân tích dữ liệu từ 12.000 mẫu được thu thập ở Ðại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Ðộ Dương và Ðịa Trung Hải trong giai đoạn 1979-2019. Họ phát hiện tốc độ ô nhiễm nhựa trong đại dương “tăng nhanh và chưa từng có” kể từ năm 2005.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo nếu không có chính sách hành động khẩn cấp, tốc độ ô nhiễm nhựa trong đại dương có thể tăng 2,6 lần từ nay đến năm 2040. Sản xuất nhựa đã tăng trong vài thập niên qua, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần, trong khi các hệ thống xử lý chất thải lại không theo kịp. Chỉ khoảng 9% nhựa trên toàn cầu được tái chế mỗi năm. Lượng lớn rác thải nhựa xâm nhập vào đại dương, chủ yếu đến từ đất liền, như xả rác hoặc bị cuốn đi bởi mưa gió. Một lượng rác thải nhỏ hơn nhưng cũng đáng nói, chẳng hạn như các thiết bị đánh bắt cá, bị thất lạc hoặc trút xuống biển.
Khi vào đại dương, nhựa không phân hủy mà thường tan rã thành những mảnh rất nhỏ. Không dễ để dọn sạch những hạt nhựa này. Các loài động vật biển có thể vướng phải rác thải nhựa hoặc nhầm tưởng là thức ăn. Nhựa cũng có thể làm rò rỉ các hóa chất độc hại vào nước.
Kể từ thập niên 1970, nhiều thỏa thuận ra đời nhằm kiềm chế rác thải nhựa đổ vào đại dương, nhưng chúng chủ yếu mang tính tự nguyện, thiếu những mục tiêu lớn. Liên Hiệp Quốc đã nhất trí tạo ra hiệp ước ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa toàn cầu và dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2024. Văn kiện này sẽ giải quyết vấn đề vòng đời của nhựa, từ lúc sản xuất cho đến bị vứt bỏ, nhưng vẫn còn những bất đồng đáng kể về việc liệu thỏa thuận có nên bao gồm giảm bớt sản xuất nhựa hay không. Dự báo đến năm 2050, sản xuất nhựa sẽ tăng gấp 4 lần.