Theo nghiên cứu, nồng độ các hạt ô nhiễm (PM) trong khoảng 90% thời gian ở các quốc gia Nam và Đông Á vượt quá giới hạn WHO cho phép. Chỉ 0,001% dân số thế giới hít thở bầu không khí ở mức tạm ổn.
Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Hàng năm, 6,7 triệu người chết do ô nhiễm không khí, với gần 2/3 số ca tử vong sớm do bụi mịn gây ra.
Theo tạp chí Lancet Planetary Health, khoảng 99,82% diện tích đất trên toàn cầu bị bao phủ bởi lớp bụi mịn PM2.5 – là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi và bệnh tim – vượt mức an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra và chỉ 0,001% dân số thế giới hít thở bầu không khí được coi là chấp nhận được.
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Úc và Trung Quốc cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ở tất cả mọi nơi trên trái đất đều ở mức báo động.
Theo nghiên cứu, hơn 70% số ngày trong năm 2019 có nồng độ PM2.5 hàng ngày vượt quá 15 microgam/m3 – tiêu chuẩn của WHO. Đặc biệt, tình trạng này càng đáng quan ngại hơn ở các khu vực như Nam Á và Đông Á – nơi mà hơn 90% số ngày có nồng độ PM2.5 trên ngưỡng 15 microgam/m3.
Mặc dù bất kỳ lượng PM2.5 nào cũng đều có hại, tuy nhiên thay vì quan tâm đến việc con người tiếp xúc với PM2.5 trong thời gian ngắn, các nhà khoa học và cơ quan quản lý chỉ quan tâm đến việc ô nhiễm trong thời gian dài.
Yuming Guo, trưởng nhóm nghiên cứu và là giáo sư sức khỏe môi trường tại Đại học Monash cho biết: “Tôi hy vọng nghiên cứu của chúng tôi có thể thay đổi quan điểm của các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách về việc tiếp xúc với PM2.5 hàng ngày.
“Tiếp xúc trong thời gian ngắn với PM2.5 cũng gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe… Nếu chúng ta có thể hít thở không khí sạch mỗi ngày, thì tất nhiên việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian dài sẽ được cải thiện”.