Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng sự chậm trễ và “quá trình chuyển đổi lộn xộn” sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 có thể dẫn đến những cú sốc đối với cả hệ thống tài chính của nước này.
Biến đổi khí hậu đang là một trong những tác nhân chính ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như tài chính của Mỹ và trong những năm tới sẽ gây tổn thất lớn về giá trị tài sản cho hệ thống tài chính của nền kinh tế số 1 thế giới.
Đây là một vài nội dung lưu ý mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh trong bản dự thảo báo cáo công bố tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban đánh giá nguy cơ tài chính liên quan đến khí hậu ngày 7/3.
Theo bà Yellen, khi biến đổi khí hậu gia tăng, thiên tai và nhiệt độ ấm lên có thể dẫn đến sự sụt giảm giá trị tài sản có thể chảy vào hệ thống tài chính. Bà cho rằng sự chậm trễ và quá trình chuyển đổi lộn xộn sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 có thể dẫn đến những cú sốc đối với cả hệ thống tài chính.
Cụ thể, các sự kiện liên quan đến khí hậu đã khiến các công ty bảo hiểm tăng phí hoặc ngừng cung cấp bảo hiểm cho các ngành có rủi ro cao, có thể để lại hậu quả nặng nề cho chủ nhà và giá trị tài sản của họ -tác động mà bà Yellen lo ngại rằng sẽ có thể lan sang các bộ phận khác của hệ thống tài chính.
Lấy dẫn chứng về tình trạng biến đổi khí hậu đang tăng tốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã đề cập đến một loạt những thảm họa gần đây như cháy rừng ở các bang của Mỹ như California, Florida và Louisiana, lốc xoáy khắp miền Nam và những cơn bão tăng cường ở Bờ Tây.
Hồi tháng Hai, chính phủ Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy năm 2022 chỉ đứng sau năm 2017 và 2011về số lượng các thảm họa thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất về vật chất, ước tính lên tới 165 tỷ USD. Trong năm 2022, tại Mỹ xảy ra 18 thảm họa thời tiết và khí hậu, mỗi thảm họa gây tổn thất ít nhất 1 tỷ USD/năm.
Được thành lập vào tháng 10 năm ngoái, Ủy ban đánh giá nguy cơ tài chính liên quan đến khí hậu có nhiệm vụ thúc đẩy những nỗ lực của Mỹ để giảm thiểu những rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra cho sự ổn định tài chính.
Cuộc họp của ủy ban diễn ra trong bối cảnh Cơ quan kiểm soát tiền tệ (OCC), Bảo hiểm tiền gửi liên bang Corp (FDIC) và Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đồng loạt đưa ra quy định mới về quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu.
Trước đó, tháng 10/2021, Hội đồng giám sát bình ổn tài chính (FSOC) – cơ quan thành lập ủy ban trên, lần đầu tiên xác định biến đổi khí hậu là một”mối đe dọa mới nổi” đối với sự ổn định tài chính của Mỹ.
Văn phòng Bảo hiểm Liên bang cũng đã đề xuất thu thập dữ liệu từ các công ty bảo hiểm để đánh giá rủi ro khí hậu. Hồi tháng Một, Fed cho biết sẽ tiến hành một kịch bản khí hậu thí điểm để phân tích các thông lệ quản lý rủi ro khí hậu của ngân hàng.
Trong khi đó, Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ dự kiến trong tháng Tư tới sẽ ban hành một quy tắc mới về thông tin bắt buộc liên quan đến khí hậu mà các công ty phải công khai.