Tiếng máy hút cát sỏi kêu ầm ĩ khiến người dân không thể ngủ vào ban đêm, đồng thời tình trạng khai thác cát sỏi gây sạt lở bờ sông Thạch Hãn, nguy cơ ảnh hưởng đến nhà ở và công trình của người dân.
Tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép rầm rộ mà người dân thường gọi là “cát tặc” ở trên và ven bờ sông Thạch Hãn tại vùng giáp ranh giữa hai xã: Triệu Long, Triệu Ái và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra suốt nhiều năm qua, nhưng chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm khiến người dân bức xúc kéo dài.
Sinh sống ở ven bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long, ông Nguyễn Văn Quốc cho biết tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn đã diễn ra từ hàng chục năm qua, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Nhiều tàu khai thác cát sỏi trái phép hoạt động từ khoảng 23 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau. Tiếng máy hút cát sỏi kêu ầm ĩ cả một vùng rộng lớn khiến người dân không thể ngủ vào ban đêm.
Nhưng lo lắng nhất là tình trạng khai thác cát sỏi gây sạt lở bờ sông Thạch Hãn dẫn đến mất đất sản xuất, nguy cơ ảnh hưởng đến nhà ở và các công trình của người dân.
Thực tế, bờ sông Thạch Hãn đã và đang sạt lở nhanh, trước đây nhà ở còn cách bờ sông khoảng 50m, nay chỉ còn hơn 10m.
Bức xúc với tình trạng “cát tặc” lộng hành thời gian dài trên sông Thạch Hãn, ông Lê Mậu Ấn cùng người dân làng Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Triệu Phong, nhưng khai thác cát trái phép vẫn liên tục tái diễn.
Ông Lê Mậu Ấn cho biết hàng chục năm qua, người dân hai làng Bích Lộc Triêu và Đại Thượng Hạ đã nhiều lần đến “gõ cửa” các cơ quan chức năng để “cầu cứu” về tình trạng khai thác trái phép nhưng đều không được giải quyết triệt để.
Có thời điểm lực lượng chức năng xử lý được một số trường hợp, nhưng rồi tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra rầm rộ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác khiến người dân bức xúc.
Thậm chí có thời điểm, cơ quan chức năng huyện Triệu Phong trả lời kiến nghị của người dân rằng: “Chưa phát hiện hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực thôn Bích Lộc Triêu và Đại Thượng Hạ.”
Hoặc khi phát hiện “cát tặc,” người dân gọi điện thoại báo cơ quan chức năng đến xử lý. Sau khoảng 15-20 phút, lực lượng chức năng đến hiện trường, nhưng không hiểu vì sao “cát tặc” đã biết trước nên di chuyển đi nơi khác.
Cũng theo ông Lê Mậu Ấn, thời gian qua người dân hai làng Bích Lộc Triêu và Đại Thượng Hạ đã tự triển khai các biện pháp xua đuổi “cát tặc.”
Cụ thể, hàng đêm, làng cử người trực canh ở bờ sông, có tàu khai thác cát đến là chiếu sáng vào tàu bằng đèn pin. Đặc biệt, người dân hai làng còn tự nguyện góp tiền mua dây điện, bóng điện và dựng cột điện tạm chiếu sáng dọc bờ sông Thạch Hãn để đuổi “cát tặc.”
Thế nhưng “cát tặc” vẫn thản nhiên hoạt động trên sông Thạch Hãn trước sự chứng kiến của người dân.
“Cát tặc” dùng tàu lớn neo đậu ở giữa dòng sông Thạch Hãn, nơi giáp ranh giữa xã Triệu Long và thị trấn Ái Tử, sau đó tắt đèn rồi dùng ống hút dài thọc vào gần bờ để hút cho được nhiều cát sỏi.
Sau khi hút cát, sỏi từ lòng sông, “cát tặc” vận chuyển lên bãi tập kết trái phép ven bờ sông Thạch Hãn ở khu vực giáp ranh giữa xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử, nằm ở phía đối diện với làng Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long.
Bãi cát trái phép này có diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông, hoạt động từ khoảng 4 đến 9 giờ hàng ngày.
Để có bãi tập kết trái phép rộng lớn này, các đối tượng đã san gạt đất để tạo mặt bằng và sát với mép nước sông Thạch Hãn, nhằm thuận lợi cho việc vận chuyển cát, sỏi từ tàu lên bờ.
Ghi nhận của phóng viên vào rạng sáng 5/3 cho thấy ở bãi cát quy mô lớn này có 2 xe ủi và múc cát lên xe ôtô tải (loại có thùng chở từ 3-4m3).
Vào cùng một thời điểm có tới 4-5 xe ôtô tải cùng nhiều người tham gia vận chuyển cát đi nơi khác.
Để vào bãi cát này, các đối tượng mở 2 đường ra và vào phân cách nhau bởi dãy tre và đều đấu nối ra đường Đặng Dung – con đường liên xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử.
Hai đường vào bãi cát trái phép luôn trong tình trạng lầy lội, bị lún sâu do phương tiện vận chuyển cát gây ra.
Từ đường Đặng Dung đến bãi tập kết trái phép ven bờ sông Thạch Hãn chỉ khoảng 100m. Bãi cát này cũng nằm gần với đất sản xuất, nhà ở, công trình và Cụm công nghiệp Ái Tử; đồng thời, cách cầu An Mô nối thị trấn Ái Tử với xã Triệu Long chỉ khoảng trên 500m về phía Bắc.
Đáng chú ý bờ sông Thạch Hãn đoạn từ cầu An Mô đến bãi tập kết cát trái phép đã và đang bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, một tuyến kè bờ sông Thạch Hãn tại đây đang được thi công khẩn cấp để bảo vệ cầu An Mô, nhà ở và đất sản xuất người dân.
Ngoài ra, bãi cát này nằm cách Ủy ban nhân dân huyện Triệu Phong và các cơ quan chức năng huyện này chỉ khoảng hơn 1km.
Theo người dân sinh sông gần bãi tập kết trái phép, hoạt động ở bãi cát diễn ra rầm rộ và công khai đã nhiều năm qua; xe ôtô tải, máy ủi cát liên tục gầm rú từ rạng sáng cho đến gần trưa.
Xe ôtô tải chở cát từ bãi cát ra đường Đặng Dung gây bụi mù mịt vào ngày nắng, nhếch nhác vào ngày mưa.
Cầu An Mô (cũ) đã xuống cấp nghiêm trọng nên có biển báo cấm xe ô tô tải đi qua. Thế nhưng, một số xe ôtô tải chở cát vẫn đi qua cây cầu này.
Sau khi vận chuyển hết cát đi nơi khác, 2 máy ủi được đưa ra khỏi bãi tập kết; còn lại mặt bãi nham nhở và chằng chịt vết xe ôtô tải, xe ủi cùng một số vật dụng hỗ trợ chuyển tải cát từ sông lên bờ.
Ngày 6/3 Bí thư Đảng ủy thị trấn Ái Tử Nguyễn Trịnh Điển xác nhận bãi tập kết cát ở khu vực giáp ranh giữa xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử là trái phép và gây bức xúc cho người dân.
Ngoài ra, bãi tập kết cát trái phép này còn hoạt động… ngay trên đất do thị trấn Ái Tử quản lý. Ngay trong ngày 6/3, địa phương tập trung kiểm tra xử lý, trước mắt là rào chắn lối ra vào bãi cát này.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Phong Phan Văn Linh cho biết trên địa bàn huyện chỉ có 3 bãi tập kết cát sỏi được cấp phép hoạt động, cụ thể là ở hai xã: Triệu Thượng 2 bãi, Triệu Thuận 1 bãi.
Ủy ban Nhân dân huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra xử lý bãi tập kết cát, sỏi trái phép ở khu vực giáp ranh xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử.