Tiếng kêu cứu từ nơi hoang dã

Tròn 50 năm trước, ngày 3/3/1973, Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) được ký tại Washington, Mỹ. Ngày 3/3 cũng trở thành Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới.

Năm nay, các sự kiện nhân ngày này xoay quanh chủ đề “Quan hệ đối tác vì mục tiêu bảo vệ động, thực vật hoang dã”, nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp nỗ lực của các chính phủ, lĩnh vực tư nhân và các tổ chức liên quan để biến cam kết thành hành động.

Linh dương tại khu bảo tồn thiên nhiên ở miền bắc Kenya. Ảnh: AFP/TTXVN

Con người sống dựa vào động, thực vật hoang dã để đáp ứng mọi nhu cầu từ thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men đến nhà ở và quần áo. Cả thực vật và động vật đều đem lại giá trị căn bản cho hệ sinh thái, nền kinh tế, khoa học, lịch sử và những khía cạnh khác của sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, các loài hoang dã đang kêu cứu khi đối mặt với “cuộc khủng hoảng tuyệt chủng”.

Dữ liệu từ Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa cho thấy hơn 8.400 loài động vật và thực vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi gần 30.000 loài khác bị coi là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương. Dựa trên những con số này, giới chuyên gia cho rằng hơn 1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Báo cáo của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố tháng 10/2022 khiến con người “giật mình” khi quần thể động vật hoang dã đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1990 mà nguyên nhân chính là do nạn chặt phá rừng, khai thác bừa bãi, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Phát hiện mới trên tương tự với những nhận định mà WWF đưa ra hồi năm 2020 rằng quần thể động vật hoang dã trên thế giới tiếp tục giảm với tốc độ khoảng 2,5%/năm. Lời kêu cứu từ thiên nhiên hoang dã ngày càng trở nên khẩn thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực tới các loài động thực vật, làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học.

Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới năm 2023 một lần nữa nhắc nhở cộng đồng về sự cần thiết phải bảo tồn các loài. Bên cạnh đó, chủ đề năm nay nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác cả ở quy mô lớn và nhỏ vì mục tiêu bảo vệ sự đa dạng sinh học của hành tinh. Ngày này cũng nhằm tôn vinh những đóng góp quan trọng của CITES đối với sự phát triển bền vững, bảo tồn sự đa dạng sinh học và động, thực vật hoang dã thông qua mối quan hệ đối tác và vai trò cầu nối của CITES.

Thời gian qua, thế giới đã ghi nhận mối quan hệ đối tác rộng lớn được thiết lập trong vấn đề bảo tồn động, thực vật hoang dã. Với sự tham gia của 183 quốc gia và Liên minh châu Âu, CITES, có hiệu lực từ năm 1975 là hiệp ước quốc tế về bảo tồn có số lượng thành viên lớn nhất toàn cầu, đã đề ra những quy tắc thương mại quốc tế cho hơn 36.000 loài hoang dã.
Gần đây, Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đạt được tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước LHQ về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra ở Canada cuối năm ngoái cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực “chữa lành” cho “hành tinh Xanh”. Thỏa thuận lịch sử này yêu cầu các quốc gia nỗ lực bảo tồn 30% hành tinh vào năm 2030. Nếu được thực hiện đầy đủ, Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu mới sẽ định hướng các nỗ lực bảo tồn cho đến cuối thập niên này, với mục đích chứng kiến các loài và hệ sinh thái phục hồi ở tất cả các khu vực vào năm 2050.

Mỹ và Nam Phi đã cam kết thành lập Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) để ngăn chặn các hoạt động tài chính phi pháp liên quan đến buôn bán trái phép động vật hoang dã. Tại Bỉ, để ngăn chặn sự biến mất vĩnh viễn của nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, công viên Pairi Daiza và công ty công nghệ sinh học thú y Revatis của Bỉ đã hợp tác để lưu trữ một số lượng lớn các mẫu sinh học của nhiều động vật quý hiếm trên thế giới. Các thử nghiệm đầu tiên về thu thập tế bào gốc từ động vật tại công viên Pairi Daiza đã được triển khai. Về lâu dài, những tế bào gốc này được đánh giá là đem lại hy vọng bảo tồn sự sống cho những loài động vật sắp tuyệt chủng.

Tham gia CITES từ năm 1994, Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện có trách nhiệm các điều ước, thể chế và hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán trái phép loài hoang dã. Báo cáo của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cho thấy sự hợp tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền trong nỗ lực đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã. Năm 2022, các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó chủ yếu là lực lượng công an và kiểm lâm, đã phản hồi 97% các vi phạm về động vật hoang dã qua đường dây nóng 1800-1522 của ENV, tạo điều kiện cho người dân các địa phương nhanh chóng kết nối và thông báo vi phạm về động vật hoang dã trên địa bàn.

Theo Tổng Thư ký CITES Ivonne Higuero, hợp tác trong bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã có vai trò quan trọng vì không tổ chức nào, ngay cả LHQ, có thể tự giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học. Trước tình hình 1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, bà Higuero cho rằng cần huy động những nỗ lực chung để đảo ngược điều này. Tổng Thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh đã đến lúc cần chấm dứt cuộc tàn phá thiên nhiên, đồng thời tin tưởng rằng nhờ công cụ, tri thức và các giải pháp tiên tiến hiện nay, con người có thể hiện thực hóa những cam kết đối với Trái Đất. Con người cần lắng nghe tiếng kêu cứu từ nơi hoang dã để cùng góp phần bảo vệ môi trường sống tự nhiên và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả sinh vật trên hành tinh. Đây chính là thông điệp của Ngày Động, thực vật hoang dã thế giới.