Thời gian qua, hàng hải là con đường mà nhiều đối tượng chuyên buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) xuyên quốc gia đã lựa chọn để đưa ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và các sản phẩm ĐVHD nguy cấp quý hiếm khác về Việt Nam nhờ lợi thế vận chuyển được khối lượng hàng hóa lớn, giá cả phải chăng và rủi ro bị phát hiện xử lý thấp.
Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), từ năm 2015 đến nay, chỉ tính riêng ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê, các cơ quan chức năng trên cả nước đã phát hiện hơn 30 vụ vi phạm, thu giữ gần 80 tấn tang vật tại các khu vực cảng biển ở Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng); cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) và cảng Hải Phòng.
Đơn cử, ngày 6/2/2023, tại Cảng Quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng, cơ quan chức năng đã mở kẹp chì một container loại 40 feet có biểu hiện nghi vấn. Quá trình kiểm tra đã phát hiện 42 khúc ngà voi có tổng trọng lượng 125kg được chứa trong các bao tải. Số ngà voi này được trộn lẫn vào sừng bò nuôi, nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam bằng đường biển.
Trước đó, ngày 2/2, Cục Hải quan Hải Phòng cũng đã phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và các lực lượng chức năng kiểm tra thực tế lô hàng theo quy trình thủ tục, bắt giữ 117 khúc ngà voi, có khối lượng 490kg.
Như vậy, chỉ qua 2 vụ kiểm tra container có dấu hiệu bất thường nhập khẩu qua đường biển tại các khu vực các cảng, Hải quan TP Hải Phòng đã thu giữ hơn 600kg ngà voi có nguồn gốc từ các nước châu Phi.
Bằng thủ đoạn tinh vi hơn, các đối tượng sử dụng giấy tờ giả để thành lập công ty “ma” tiến hành các phi vụ buôn lậu, trường hợp bị phát hiện cũng dễ xóa vết. Ví dụ, vụ án nhập lậu hai lô hàng cấm gồm gần 10 tấn các loại sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê, xương sư tử từ châu Phi về Việt Nam bị phát hiện tại cảng Tiên Sa, và được TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử ngày 21/2 vừa qua.
Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Tài (SN 1989, quê quán huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) có mối quan hệ quen biết với người đàn ông tên July (không rõ thân nhân, lai lịch).
Từ tháng 2 đến tháng 9/2021, theo sự chỉ đạo của July, Tài lập 2 công ty “ma” để nhập khẩu 456,90kg ngà voi, 138,784kg sừng tê giác, 6.230kg vảy tê tê và 3.108kg xương sư tử từ nước ngoài về Việt Nam qua cảng Đà Nẵng. Ước tính, tổng giá trị lô tang vật liên quan đến vụ án này lên đến 300 tỷ đồng.
Cụ thể, vào tháng 2/2021, July gửi bản sao giấy chứng minh nhân dân của Ninh Thái Cường (SN 1983, trú Nghệ An – đã tử vong) cho Tài. Sau đó, Tài đã thuê người làm thủ tục thành lập Công ty TNHH Nam Thái Cường.
Ngày 3/5/2021, theo vận đơn vận chuyển số MIDUJ155030, container số MSDU1006024 khai báo tên hàng hóa vận chuyển là sàn gỗ, đơn vị gửi hàng là Công ty Sawad on Behalf of Trader Dynamo (Nam Phi), đơn vị nhận hàng là Công ty TNHH Nam Thái Cường, hàng đến cảng Đà Nẵng vào ngày 17/7/2021.
Khi bị phát hiện bên trong container chứa 52 khúc sừng tê giác trọng lượng 138,784kg và 93 thùng xương sư tử trọng lượng 3.108kg, đối tượng Tài đã không làm thủ tục, bỏ hàng.
Đến tháng 8/2021, July tiếp tục yêu cầu Tài lập công ty “ma”. Lúc này Tài lên mạng đặt làm giả 1 giấy chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Nhật Long và nộp hồ sơ thành lập Công ty TNHH Quang Nhật Long.
Sự việc bị phát giác khi hàng vừa cập cảng, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng đã tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính, kết quả khám đã phát hiện bên trong container chứa 17.346kg hạt điều, 456,9kg ngà voi và 6.232kg vảy tê tê. Toàn bộ các đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm của hai công ty “ma” đã được Tài tiêu hủy hết.
Theo thống kê, ngoại trừ 4 vụ bắt giữ tại cảng Tiên Sa Đà Nẵng năm 2015, đã được đưa ra xét xử vào năm 2018 và vụ án vừa được xét xử liên quan đến đối tượng Nguyễn Đức Tài nói trên, thì tất cả các vụ vận chuyển ĐVHD còn lại tại các cảng biển, các cơ quan chức năng đều chưa thể phát hiện và xử lý được các đối tượng có liên quan. Hiện, Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là điểm trung chuyển và tiêu thụ ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê lớn trên thế giới.
Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV, việc các lực lượng chức năng liên tiếp thu giữ một khối lượng lớn ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng tại khu vực cảng biển là thành công bước đầu, góp phần làm đứt gãy chuỗi cung ứng và buôn bán, từ đó giảm thiểu một phần lợi nhuận bất chính của các đối tượng buôn bán trái phép. Tuy nhiên, nếu chỉ bắt giữ tang vật mà không phát hiện và xử lý được các đối tượng có liên quan, đặc biệt là đưa được các đối tượng cầm đầu ra ánh sáng thì sẽ không triệt phá được các đường dây tội phạm. Do đó, không thể chấm dứt triệt để tình trạng vận chuyển, buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia phức tạp như hiện nay.
“Với lợi nhuận đặc biệt lớn từ việc buôn bán ĐVHD, khi và chỉ khi các cơ quan chức năng mở rộng điều tra từ các vụ bắt giữ ban đầu để làm rõ đường dây, cách thức hoạt động cũng như tìm ra các đối tượng cầm đầu và xử lý nghiêm các đối tượng này theo đúng quy định của pháp luật thì chúng ta mới thành công trong việc triệt phá các đường dây tội phạm này, mang đến những bước tiến tích cực trong nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam”, bà Bùi Thị Hà chia sẻ.