Bờ biển tại Cedeno – một làng chài ở miền Nam Honduras, như thể vừa hứng chịu một trận động đất. Nhà cửa, các cơ sở kinh doanh, các hàng quán chỉ còn lại là những đống đổ nát. Tuy nhiên, đây không phải là hệ quả của động đất hay sóng thần mà là tác động của nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Hiện tượng có sức tàn phá lớn với tốc độ chậm hơn này đang hoành hành tại Cedeno và nhiều ngôi làng khác ở Vịnh Fonseca thuộc Thái Bình Dương.
Nước biển dâng đang nhấn chìm ngày càng nhiều diện tích rừng ngập mặn ngoài khơi làng chài Cedeno và những đợt sóng biển dữ dội vẫn tiếp tục “ngoạm” từng lớp đất, cát ven biển. Nhiều ngôi nhà, cơ sở kinh doanh nhỏ, một trung tâm nghiên cứu hàng hải, trụ sở cảnh sát và một công viên cũng bị bỏ hoang do hiện tượng này. Ngay cả trường tiểu học Michel Hasbun, từng là nơi học tập của khoảng 400 trẻ em, giờ đây cũng vắng bóng người.
Tổ chức Bảo vệ và Phát triển hệ động thực vật của Vịnh Fonseca (Coddeffagolf) cho biết trong 17 năm qua, biển đã tiến sâu 105m vào làng Cedeno, nơi định cư của khoảng 7.000 người. Hệ thống rễ của cây ngập mặn đóng vai trò là nơi thu hút động vật giáp xác, động vật có vỏ cùng nhiều loài khác, tạo nguồn thức ăn cho các động vật lớn hơn. Tuy nhiên, việc nước biển dâng quá nhanh khiến các loài không thể thích nghi, từ đó số lượng các loài ngày càng giảm và đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Cộng đồng địa phương hy vọng một dự án đang trong giai đoạn lập kế hoạch của tổ chức Coddeffagolf có thể cải thiện tình trạng nước dâng ở khu vực ven biển và tái trồng rừng ngập mặn đã bị nhấn chìm.
Đầu tháng này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo nước biển dâng do hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể dẫn đến cuộc di cư hàng loạt trên quy mô lớn khi người dân di dời khỏi các cộng đồng ở khu vực trũng thấp, khiến các cộng đồng này có thể “biến mất hoàn toàn”. Nguy cơ đó đặc biệt đáng báo động đối với gần 900 triệu người đang cư trú tại các vùng ven biển có địa hình thấp, tương ứng 10% dân số trên toàn thế giới.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ cho biết mực nước biển đã tăng 15 – 25 cm trong giai đoạn từ năm 1900 – 2018. Nếu Trái Đất chỉ ấm lên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì mực nước biển sẽ tăng 43 cm tính đến năm 2100. IPCC cảnh báo tất cả rừng ngập mặn có thể biến mất trong vòng 100 năm tới.
Rừng ngập mặn không chỉ duy trì đời sống sinh vật biển mà còn hấp thụ khí carbon dioxide (CO2) – nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên – và chắn bão cũng như hạn chế tác động của nước biển dâng tại các khu vực ven biển.
Vào ngày 2 – 3/3 tới, lãnh đạo nhiều quốc gia, giới học giả và nhiều đại biểu trong lĩnh vực tư nhân sẽ tham dự hội nghị “Đại dương của chúng ta” (“Our Ocean”) tại Panama nhằm tìm cách bảo vệ các nguồn tài nguyên biển đang bị đe dọa.