Campuchia mới đây đã xác nhận trường hợp tử vong do nhiễm cúm gia cầm. Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước nêu cao cảnh giác.
Thực trạng đáng ngại
Ngày 22/2, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, bà Youk Sambath, thông báo nước này vừa ghi nhận trường hợp bé gái 11 tuổi, ở tỉnh Prey Veng tử vong do cúm gia cầm H5N1. Bệnh nhân bắt đầu khởi phát một số triệu chứng lâm sàng như sốt 39 độ C, ho và đau họng từ hôm 16/2, do tình hình sức khỏe không cải thiện sau khi được điều trị tại địa phương, nên đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi quốc gia tại thủ đô Phnom Penh. Ngày 21/2, đội ngũ y tế đã gửi mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tới Viện Y tế công cộng quốc gia và nhận được kết quả dương tính với virus cúm gia cầm H5N1 vào hôm sau. Đây cũng là ngày bệnh nhân tử vong. Hiện nay, bố của bệnh nhân, 49 tuổi, cũng có kết quả dương tính và được cách ly, điều trị tại bệnh viện.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản, nước này đang phải đối mặt với dịch cúm gia cầm lây lan mạnh chưa từng có, phải tiêu huỷ 14,78 triệu con gia cầm, cao gần gấp đôi kỷ lục ghi nhận trong mùa dịch năm 2020 – 2021 là 9,87 triệu con. Kể từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên vào tháng 10/2022 tại tỉnh Okayama và Hokkaido tới nay, Nhật Bản đã xác định 76 ổ dịch cúm gia cầm tại các trang trại chăn nuôi và nhiều nơi khác ở 25 tỉnh, bao gồm 6 tỉnh chưa từng ghi nhận các ổ dịch trước đây, như Yamagata và Okinawa. Dịch cúm gia cầm đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt trứng gà, làm giá mặt hàng này tăng cao. Theo số liệu của nhà cung cấp trứng JA. Z-Tamago, kể từ ngày 22/2, giá bán lẻ trứng cỡ trung bình là 335 yen/kg (2,49 USD/kg) tại thủ đô Tokyo, tăng 81% so với một năm trước đó. Con số này cao hơn so với mức kỷ lục vào năm 1986 là 280 yen (2,08 USD/kg) – mức giá bán lẻ trung bình của tháng 1.
Không chỉ ở châu Á, nhiều quốc gia ở Nam Mỹ, châu Âu cũng đang bị dịch cúm gia cầm tấn công. Vào hôm 15/2, Chính phủ Uruguay đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế quốc gia sau khi phát hiện cúm gia cầm lây lan ở loài thiên nga cổ đen tại khu vực Maldonado và Rocha. Cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp Argentina Juan Jose Bahillo cũng xác nhận những trường hợp cúm gia cầm đầu tiên ở chim hoang dã, do đó, chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế và củng cố biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trước đó vào ngày 6/2, Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) dẫn thông tin từ giới chức y tế Slovakia, cho biết dịch cúm gia cầm độc lực cao H5N1 đã bùng phát tại một trang trại ở miền Tây nước này, khiến 1.530 con gia cầm trong tổng số 5.665 con bị chết. Theo WOAH, trong đợt bùng phát dịch cúm gia cầm hồi năm ngoái ở châu Âu, số gia cầm bị chết đã lên mức kỷ lục.
Cảnh báo từ chuyên gia
Sau khi Campuchia xác nhận 2 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở người trong cùng một gia đình, Giám đốc quản lý công tác ứng phó dịch bệnh của WHO, Tiến sĩ Sylvie Briand, cho biết cơ quan này đang xem xét đánh giá nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người trên toàn cầu dựa trên những diễn biến gần đây ở Campuchia. Theo Tiến sĩ Briand, tình hình lây lan virus H5N1 trên thế giới hiện nay là “đáng lo ngại” khi xuất hiện sự gia tăng về số trường hợp lây nhiễm ở chim và động vật có vú, trong đó có con người. Tiến sĩ Briand cho biết WHO coi rủi ro từ loại virus này là nghiêm trọng và kêu gọi các nước nâng cao cảnh giác.
Về phần mình, các nhà khoa học cho biết điều đáng lo ngại nhất đến từ một đợt bùng phát lớn gần đây tại một trang trại nuôi chồn ở Tây Ban Nha. Tháng 10/2022, những người làm việc trong trang trại bắt đầu nhận thấy số lượng vật nuôi chết tăng đột biến, với những con chồn ốm trải qua một loạt các triệu chứng nghiêm trọng như chán ăn, tiết nhiều nước bọt, chảy máu ở mõm, run rẩy và thiếu kiểm soát cơ. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học Eurosurveillance vào tháng 1/2023 cho thấy thủ phạm được xác định là virus H5N1, ghi nhận trường hợp đầu tiên được biết đến về loại nhiễm virus cúm gia cầm này ở loài chồn được nuôi ở châu Âu. Cuối cùng, toàn bộ số chồn được nuôi trong trang trại đã bị giết và tiêu hủy, tổng cộng hơn 50.000 con.
Hiện nay, virus H5N1 chỉ lây từ động vật sang người, nhưng các chuyên gia lo ngại sự tiến hóa của virus theo hướng truyền từ người sang người sẽ gây ra đại dịch toàn cầu. Chuyên gia nghiên cứu về sự lây truyền virus ở các loài động vật hoang dã Michelle Wille thuộc Đại học Sydney, Australia cho rằng đợt bùng phát các ca nhiễm cúm gia cầm lần này báo hiệu khả năng thực sự của việc lây truyền virus giữa các loài động vật có vú với nhau. Theo bác sĩ Isaac Bogoch, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Toronto (Canada), mối lo ngại hiện nay là nếu loại virus này biến đổi và ngày càng dễ lây nhiễm giữa các loài động vật có vú, bao gồm cả con người, thì có thể gây ra những hậu quả chết người. Bởi đây là một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng gây ra dịch và đại dịch.
Chuyên gia Michelle Wille cũng cảnh báo loại virus phát hiện trong trang trại nuôi chồn ở Tây Ban Nha và sau đó lây nhiễm cho những công nhân trong trang trại là một hướng đi có lý cho sự xuất hiện của một loại virus có khả năng lây truyền từ người sang người. Vì thế, các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ tình trạng lây nhiễm giữa các loài động vật khác, bao gồm nhiều loài động vật có vú có quan hệ gần gũi hơn với con người. Tuy nhiên, theo chuyên gia Michelle Wille, điều giúp con người yên tâm hơn là sự phát triển liên tục của vaccine cúm giúp nhân loại đón đầu, đối mặt với mối đe dọa do bệnh cúm gia cầm gây ra. Dẫu vậy, các nước không nên chủ quan, cần phải tăng cường nỗ lực ngăn chặn lây lan cúm gia cầm.