EU đang hợp tác với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan để hỗ trợ các nước này trong hành động khí hậu và chuyển đổi xanh.
Trong hai ngày 23-24/2, Hội nghị cấp cao về hợp tác môi trường và nước lần thứ 7 của Liên minh châu Âu (EU)-Trung Á đã được tổ chức tại thủ đô Rome của Italy.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 đại biểu gồm các bộ trưởng, thứ trưởng, quan chức ngoại giao cấp cao các nước EU, Trung Á, đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức tham gia phát triển, quản lý và thực hiện các chính sách về môi trường, biến đổi khí hậu và nước.
Hội nghị này do Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy cùng Diễn đàn hợp tác về môi trường và nước EU-Trung Á phối hợp tổ chức.
Các đại biểu tham dự đã thảo luận về các vấn đề chiến lược và thực tế liên quan đến nước, môi trường, biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững ở khu vực Trung Á, đồng thời nêu bật những thách thức và cơ hội để khu vực này đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xanh.
Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối tương quan giữa năng lượng và nước đối với Trung Á và sự cần thiết phải phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Các bên cũng rà soát kết quả hoạt động của Diễn đàn hợp tác về môi trường và nước EU-Trung Á kể từ hội nghị cấp cao trước đó tổ chức tại Tashkent, Uzbekistan năm 2019.
Các bên đã thảo luận về những ưu tiên của Diễn đàn cho giai đoạn 2023-2025 và thống nhất các bước đi thiết thực nhằm tăng cường đối thoại chính sách và phát triển năng lực trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và nước ở Trung Á.
Hội nghị là cơ hội để EU nhắc lại cam kết mạnh mẽ của mình với khu vực Trung Á trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và khôi phục môi trường, một phần thông qua Sáng kiến Nhóm châu Âu Cổng toàn cầu về nước, năng lượng và biến đổi khí hậu ở Trung Á.
Các bên bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác EU-Trung Á, cũng như hợp tác nội khối Trung Á trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại hội nghị, bà Terhi Hakala, Đại diện đặc biệt của EU tại Trung Á nhấn mạnh EU đang hợp tác với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan để hỗ trợ các nước này trong hành động khí hậu và chuyển đổi xanh. Bà hối thúc các bên hợp tác hơn nữa để bảo vệ môi trường và biến những thách thức khí hậu thành cơ hội tăng trưởng xanh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Môi trường và An ninh năng lượng Italy, bà Vannia Gava nêu rõ Hội nghị cấp cao Rome 2023 chỉ là cột mốc mới nhất trong cam kết dài hạn mà Bộ Môi trường và An ninh năng lượng Italy đã đảm nhận từ năm 2009 tại khuôn khổ Diễn đàn EU-Trung Á về hợp tác môi trường và nước.
Tại hội nghị lần này, Italy đã trình bày một số quan điểm đổi mới về cơ hội cho các phương pháp tiếp cận hợp tác của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và sáng kiến Mạng lưới điện số theo nhu cầu (3DEN) với Cơ quan Năng lượng Quốc tế, về các phương pháp tiếp cận đổi mới nhằm hiện đại hóa hệ thống điện để ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Các bên tham gia nhất trí hợp tác để thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và nỗ lực đáng kể để đạt được mục tiêu không phát thải ròng; tiếp tục đối thoại và hợp tác cấp cao để giải quyết những thách thức nghiêm trọng và các mối đe dọa ngày càng tăng đối với môi trường do biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học gây ra; khuyến khích và hỗ trợ hợp tác khu vực, xuyên biên giới và quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Tháng 11/2022, EU đã khởi động Sáng kiến Nhóm châu Âu Cổng toàn cầu về nước, năng lượng và biến đổi khí hậu ở Trung Á, tập hợp các quốc gia thành viên và tổ chức tài chính châu Âu nhằm hỗ trợ sự hợp tác và quản trị khu vực để phát triển bền vững, cũng như tăng cường đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và hội nhập khu vực.
Hội nghị cấp cao về hợp tác môi trường và nước EU-Trung Á tiếp theo sẽ diễn ra tại Kazakhstan vào năm 2026.