Các hệ sinh thái đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đánh bắt thủy sản quá mức dù đây là nơi tạo ra tới 50% lượng oxy cho trái đất.
Ngày 20/2, các nước thành viên Liên hợp quốc bắt đầu tiến trình đàm phán tại Hội nghị liên chính phủ lần thứ 6 (IGC6) diễn ra tại New York, Mỹ, để ký kết một hiệp ước khả thi nhằm bảo vệ và bảo tồn phần lớn đại dương trên thế giới.
Sau hơn 15 năm triển khai các cuộc thảo luận chính thức và phi chính thức, đây là lần thứ 3 trong chưa đầy 1 năm qua, các nhà đàm phán quy tụ tại New York với mong muốn đây sẽ là vòng đàm phán cuối cùng, mang lại kết quả cụ thể là một “Hiệp ước biển quốc tế.”
Trước thềm hội nghị, dự kiến kéo dài tới hết ngày 3/3, giới quan sát vẫn lạc quan một cách thận trọng về kết quả sự kiện, một phần nhờ Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra tháng 12/2022 tại Montreal (Canada) đã đạt được thỏa thuận lịch sử.
Các quốc gia đã cam kết đến năm 2023 sẽ thực hiện mục tiêu bảo vệ 30% diện tích đất và biển trên thế giới.
Mục tiêu này được đánh giá là khó thực hiện nếu không bao gồm các vùng biển quốc tế mà tỷ lệ diện tích được bảo vệ hiện nay mới chỉ là 1%.
Lãnh đạo chương trình hành động vì đại dương của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Pepe Clarke, bày tỏ lạc quan về thỏa thuận đa dạng sinh học đạt được tại COP15 là “liều thuốc tăng lực” cần thiết để các chính phủ đạt được thỏa thuận trong hội nghị IGC lần này.
Vùng biển quốc tế là tất cả những phần biển không thuộc vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo.
Dù chiếm tới hơn 60% diện tích các đại dương trên thế giới và gần 50% diện tích bề mặt Trái Đất, các vùng biển quốc tế lại nhận được rất ít sự quan tâm so với các vùng biển duyên hải.
Các hệ sinh thái đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đánh bắt hải sản quá mức dù đây là nơi tạo ra tới 50% lượng oxy cho Trái Đất và góp phần quan trọng giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu nhờ hấp thu phần lớn lượng CO2 thải ra từ hoạt động của con người.
Dù giới quan sát vẫn lạc quan và nhiều cuộc thảo luận phi chính thức đã diễn ra kể từ lần gần nhất IGC được tổ chức hồi tháng 8/2022 nhưng vẫn có những ý kiến lo ngại về nguy cơ hội nghị lần này tiếp tục thất bại.
Một số chuyên gia về bảo vệ đại dương nhận định đây là cơ hội cuối cùng để các bên đạt thỏa thuận mà các chính phủ không được phép bỏ lỡ.
Bản thảo Hiệp ước biển quốc tế hiện còn nhiều điều khoản mở và nhiều lựa chọn, phản ánh danh sách dài những vấn đề còn gây tranh cãi mà các bên chưa thể nhất trí.
Hiện các bên vẫn chưa thể nhất trí về cách đánh giá những tác động môi trường từ các hoạt động của con người như hoạt động khai mỏ trong lòng đại dương ở vùng biển quốc tế.
Các đoàn đàm phán còn tranh cãi về việc phân chia lợi nhuận thu được từ các vật chất mới được phát hiện dưới lòng biển.
Các nước đang phát triển vốn không đủ phương tiện để tiến hành các hoạt động nghiên cứu tốn kém cũng lo ngại bị bỏ lại phía sau trong khi các nước khác hưởng lợi lớn.