Liên quan vụ án hình sự vi phạm đốn hạ rừng phòng hộ Xuân Lộc (Đồng Nai) vừa khởi tố, có thể nói nguyên nhân cơ bản từ việc các hộ dân đã vượt quá giới hạn quyền và trách nhiệm trong chính sách nhận khoán trồng và bảo vệ rừng phòng hộ.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là đơn vị được UBND tỉnh Đồng Nai giao quản lý, bảo vệ diện tích hơn 10.000 ha rừng phòng hộ tại huyện Xuân Lộc. Hiện tại đơn vị đã lập hợp đồng giao nhận khoán với hơn 2.000 hộ dân, tổng diện tích khoảng 7.000 ha.
Đồng Nai: Khởi tố vụ án hình sự đầu tiên về nạn phá rừng phòng hộ Xuân Lộc
Trong những năm qua, các vụ vi phạm về rừng và đất lâm nghiệp, khai thác rừng phòng hộ có chiều hướng tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Điển hình là vụ việc một số người dân đốn hạ 85 cây gỗ (dầu, sao, muồng, với tổng gần 40m3 gỗ) xảy ra tại Phân trường Trản Táo vào tháng 9/2022.
Thực hiện hợp đồng giao khoán đất để trồng rừng
Trong quá trình thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Xuân Lộc từ trước đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã tổ chức nhiều lần giao khoán đất cho các hộ dân. Qua quá trình thực hiện giao khoán đã thể hiện rất rõ các cơ sở pháp lý trong việc giao khoán đất.
Cụ thể, lần thứ nhất, thực hiện theo Quyết định 1571/QĐ-UBT ngày 4/11/1986 của UBND tỉnh Đồng Nai, năm 1987 Lâm trường Xuân Lộc (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) ký “Hợp đồng liên kết trồng tiêu, cà phê dưới tán gỗ lớn” theo hình thức tập thể.
Tại hợp đồng này, quy định trách nhiệm thực hiện kế hoạch giao diện tích đất rừng rõ ràng trên thực địa cho các hộ dân nhận đất trồng và bảo vệ; hướng dẫn kỹ thuật, cấp vốn, giống cây cho khâu điều chế rừng tự nhiên theo dự toán được duyệt.
Lần thứ hai, thực hiện theo Quyết định 327/CT ngày 15/7/1992 và Nghị định 02/CP ngày 15/1/1994 (khoản 3, Điều 12), Lâm trường tổ chức thực hiện lập “Hợp đồng sử dụng đất để sản xuất nông lâm nghiệp” cho các hộ canh tác trên lâm phận. Trong đó có chuyển đổi từ nhóm hộ sang giao khoán cho hộ gia đình.
Theo đó, các hộ dân có nghĩa vụ dọn đất trồng rừng và sản xuất nông nghiệp kết hợp; thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định; được hưởng toàn bộ sản phẩm lâm nghiệp, nông nghiệp đã đầu tư trên diện tích đất được giao…
Lần thứ ba, thực hiện theo Nghị định 01/CP ngày 4/1995, Lâm trường tổ chức rà soát, chuyển đổi “Hợp đồng sử dụng đất để sản suất nông lâm nghiệp” sang loại “Hợp đồng giao khoán sử dụng đất lâm nghiệp”.
Đáng lưu ý ở thời điểm này, có một số hộ dân còn lại không thực hiện chuyển đổi sang hợp đồng mới, mà vẫn giữ lại hợp đồng sử dụng đất năm 1994, do các hộ dân không đồng tình với hai từ “giao khoán” trong hợp đồng mới lần thứ 3 này.
Lần thứ tư, ngày 8/11/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2005/NĐ-CP về giao khoán áp dụng cho vùng quy hoạch sản xuất. Toàn bộ diện tích các hộ dân thuộc vùng quy hoạch phòng hộ nên không thuộc đối tượng chuyển đổi hợp đồng giao khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP.
Lần thứ 5, thực hiện Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, ngày 27/12/2016 của Chính phủ về khoán rừng, Ban Quản lý rừng đã xây dựng phương án khoán rừng, được Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai phê duyệt, hiện đang tổ chức thực hiện. Đến nay tại có một số hộ dân đã thực hiện chuyển đổi sang hợp đồng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP này.
Hiện nay, khu vực có các hộ gia đình tham gia thực hiện ký hợp đồng “liên kết trồng cà phê, tiêu xen trồng rừng gỗ lớn” với những vườn cây có múi, vườn tiêu xanh tốt dưới tán lá của những cây sao, cây dầu khoảng 40 năm tuổi.
Không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Từ năm 2005 đến nay, một số hộ dân đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan Nhà nước khiếu nại, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên diện tích đất nhận khoán với Lâm trường.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đình Long – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết: Căn cứ vào các quy định của Nhà nước, diện tích đất lâm nghiệp mà một số hộ dân kiến nghị được cấp GCNQSDĐ thuộc diện tích của UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Lâm trường Xuân Lộc quản lý, sử dụng từ năm 1977.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 19, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ “quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai” thì những trường hợp không được cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân, gồm: “Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng”.
“Từ các cơ sở pháp lý trên, có thể nói những hộ dân đang nhận khoán đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc thuộc diện không được cấp GCNQSDĐ” – ông Hoàng Đình Long nhận định.
Theo luật sư Lê Thái Long (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), thực tế diễn biến quá trình hợp đồng của hai bên, khi xác lập hợp đồng lần thứ nhất và lần thứ hai, do chưa có quy định cụ thể của Nhà nước nên tên gọi và nội dung hợp đồng căn cứ vào tình hình thực tế và thỏa thuận giữa Lâm trường và các hộ dân.
Điều này thể hiện rõ việc Lâm trường giao đất cho các hộ dân. Kèm theo đó là Lâm trường cũng có những quy định cắm mốc ranh giới, các thông báo ký kết hợp đồng thỏa thuận. Vì vậy, việc các hộ dân đề nghị được cấp GCNQSDĐ là không khả thi. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Thái Long, Nhà nước cần xem xét lại quá trình cống hiến trồng và bảo vệ rừng của các hộ dân, họ cần được đảm bảo về mặt cuộc sống bền vững.
Riêng việc quy định về khai thác, thụ hưởng sản phẩm rừng cũng cần xem xét về quyền lợi của người dân khi đã thể hiện rõ ở “Hợp đồng sử dụng đất để sản xuất lâm nông nghiệp” giữa hai bên (lần thứ 2) vào năm 1994, quy định người dân “được hưởng toàn bộ sản phẩm lâm nghiệp, nông nghiệp đã đầu tư trên diện tích đất được giao”.
Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản trả lời cho UBND tỉnh Đồng Nai về những vướng mắc trên. Theo đó, căn cứ tại khoản 9, Điều 2, 73 và 74 Luật Lâm nghiệp năm 2017; khoản 3, Điều 20, Nghị định số 156/2018/NĐ – CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, hộ dân nhận khoán trong trường hợp này không phải là chủ rừng nên không được hưởng quyền lợi cũng như thực hiện nghĩa vụ của chủ rừng.
Vì vậy, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định việc khoán bảo vệ rừng, phát triển rừng là một trong những chính sách tạo động lực kinh tế của Đảng và Nhà nước khuyến khích người dân, đặc biệt là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Hành vi lợi dụng chính sách khoán và vi phạm quy định về bảo vệ rừng trong quá trình nhận khoán cần được xử lý nghiêm để đảm bảo chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, khuyến khích người dân tham gia có trách nhiệm đối với diện tích rừng nhận khoán.
Ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Rừng phòng hộ thuộc quyền quản lý của Nhà nước, không thể cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình. Các hộ nhận khoán trồng được khai thác cây nhưng phải được sự cho phép và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền”.
Cũng theo ông Võ Văn Phi, hành vi khai thác rừng phòng hộ không được cơ quan thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật. Vì vậy, ông đề nghị ngành chức năng tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ.