Trong danh sách 10 khu vực có nguy cơ chịu tổn thất nặng nề nhất do biến đổi khí hậu có 9 khu vực ở Trung Quốc, trong đó có 2 nền kinh tế địa phương lớn nhất của Trung Quốc gồm Giang Tô và Sơn Đông.
Theo kết quả phân tích của The Cross Dependency Initiative (XDI) – tổ chức chuyên phân tích rủi ro khí hậu – công bố ngày 20/2, các trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn của Trung Quốc và Mỹ nằm trong danh sách những khu vực dễ bị tổn thương nhất thế giới trước những tác động tàn phá của hiện tượng thời tiết cực đoan do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.
Những phát hiện mới này cho thấy nhu cầu cấp bách phải tập trung vào các biện pháp khử carbon và thích ứng như phòng chống lũ lụt, đồng thời cho thấy hậu quả nghiêm trọng và lan rộng về mặt kinh tế do biến đổi khí hậu.
Trong danh sách 10 khu vực có nguy cơ cao nhất có 9 khu vực ở Trung Quốc, trong đó có 2 nền kinh tế địa phương lớn nhất của Trung Quốc gồm Giang Tô và Sơn Đông. Hai khu vực này đứng đầu danh sách của XDI.
Sau các khu vực của Trung Quốc, đứng vị trí thứ 10 trong danh sách này là bang Florida của Mỹ và tiếp sau đó là các bang California và Texas. Theo XDI, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ chiếm khoảng một nửa số khu vực dễ bị tổn thương nhất trong top 100.
Các trung tâm kinh tế khác nằm trong top 100 có Bắc Kinh (Trung Quốc), Buenos Aires (Argentina), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), Jakarta (Indonesia), Mumbai (Ấn Độ), Sao Paulo (Brazil) và Đài Loan (Trung Quốc). Các nước Australia, Bỉ, Canada, Đức và Italy cũng có các bang và tỉnh được liệt kê trong danh sách này.
Ở châu Âu, bang Niedersachsen (Lower Saxony) của Đức là khu vực có nguy cơ cao nhất, trong khi vùng Veneto ở Italy, nơi có thành phố nổi Venice, đứng thứ 4. Xét theo mức độ gia tăng thiệt hại nhanh nhất thì khu vực Đông Nam Á đứng đầu tiên.
Phân tích của XDI cho thấy lũ lụt cả ở ven biển và trong đất liền đều có thể gây rủi ro lớn nhất đối với cơ sở hạ tầng. Nghiên cứu cũng tính đến sự nguy hiểm của hiện tượng sóng nhiệt, cháy rừng, băng tan và một số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác.
XDI đã tiến hành phân tích hơn 2.600 khu vực trên toàn cầu, lập mô hình thiệt hại từ năm 1990-2050 dựa trên kịch bản do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đưa ra, theo đó nhiệt độ Trái Đất tăng 3 độ C vào cuối thế kỷ này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là kết quả phân tích dữ liệu toàn diện nhất về vấn đề này và hy vọng có thể giúp cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế và khí hậu trong tương lai.