Việc nỗ lực đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã và xử lý hiệu quả các đối tượng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép luôn được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện.
Những năm gần đây, số lượng các vụ án hình sự có đối tượng bị bắt giữ vẫn tiếp tục gia tăng, tỷ lệ số vụ án được đưa ra xét xử cũng đạt ở mức đáng kể. Đặc biệt, một số đối tượng tham gia các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép đã bị pháp luật xử lý nghiêm minh, thích đáng, tạo sự răn đe và phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài “Xử lý vi phạm về động vật hoang dã”.
Bài 1: Hiệu quả từ người dân thông báo
Việt Nam đã và đang tích cực tham gia có trách nhiệm các điều ước, thể chế và hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán trái phép loài hoang dã. Để xử lý những hành vi vi phạm hành chính về động vật hoang dã, góp phần bảo vệ các loài động vật hoang dã, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi. Trong đó, Nghị định này đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2019/ND-CP ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
Hợp tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền
Báo cáo thường niên “Hiệu quả công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo” do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát hành, cho thấy các nỗ lực của cơ quan chức năng 62 tỉnh, thành phố trong việc tiếp nhận, xử lý các vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo trong năm 2021 (trừ tỉnh Bạc Liêu không ghi nhận vi phạm).
Năm 2022, các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó chủ yếu là lực lượng công an và kiểm lâm đã phản hồi 97% các vi phạm về động vật hoang dã qua đường dây nóng 1800-1522 của ENV, tạo điều kiện cho người dân các địa phương nhanh chóng kết nối và thông báo vi phạm về động vật hoang dã trên địa bàn.
Con số này phản ánh sự chủ động của các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận và xử lý các vi phạm về động vật hoang dã được người dân thông báo. Sự tích cực trong việc phản hồi các vụ việc do người dân thông báo là điều kiện rất quan trọng để duy trì và thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền trong quá trình xử lý các vi phạm về động vật hoang dã. Mặc dù tỷ lệ phản hồi vi phạm khá khả quan nhưng tỷ lệ xử lý thành công tại các địa phương còn thấp, chỉ đạt 28,9%.
Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy, cứ 3 vụ việc vi phạm liên quan đến động vật hoang dã còn sống thì chỉ 1 trường hợp được xử lý thành công (29,8%). Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng địa phương cần nâng cao hiệu quả xử lý các vi phạm về động vật hoang dã để đạt tỷ lệ xử lý thành công ít nhất là 50% trong những năm tới. Đáng chú ý, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nồng Nai và Lâm Đồng, Đắk Lắk, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương đạt hiệu quả cao trong công tác xử lý vi phạm động vật hoang dã và có tỷ lệ phản hồi cao thông báo vi phạm từ người dân.
Theo kết quả thống kê của Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an thành phố Hà Nội trong 2 năm 2021 và 2022, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an thành phố đã phát hiện, đấu tranh 123 vụ việc (03 tổ chức và 154 cá nhân) vi phạm liên quan đến quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm và động vật hoang dã; cơ quan điều tra đã khởi tố 85 vụ án hình sự với 113 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật nguy cấp quý hiếm.
Trong đó, gần đây nhất ngày 5/1/2023, Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển 1 cá thể hổ (đã chết bị mổ bỏ nội tạng) nặng gần 200 kg đi tiêu thụ và 2 cá thể rắn hổ mang chúa (ngâm trong bình). Căn cứ kết quả điều tra ban đầu, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, sau đó bàn giao cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố thực hiện điều tra, xử lý theo quy định.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, kể từ năm 2020, ENV bắt đầu tiến hành hoạt động này hàng năm, trong đó đánh giá hiệu quả xử lý vi phạm về động vật hoang dã tại từng địa phương cụ thể đặt trong tương quan so sánh với các địa phương khác hay mặt bằng chung của cả nước. Kết quả phân tích được báo cáo đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để lãnh đạo các địa phương nắm rõ được hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý các vi phạm về động vật hoang dã trên địa bàn so với tình hình chung của cả nước.
“Với hệ thống pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và xử lý các vi phạm về động vật hoang dã tương đối hoàn thiện như hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng địa phương sẽ tập trung nhiều hơn nữa các nguồn lực để xử lý hiệu quả các vi phạm về động vật hoang dã dù đó chỉ là những vi phạm liên quan đến các loài động vật hoang dã thông thường hay những vi phạm phát hiện trên không gian mạng.” bà Bùi Thị Hà nhấn mạnh.
Sáng kiến xử lý vi phạm
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 37 cá thể voi nhà. Con số này đã giảm mạnh so với đầu những năm 1980 – thời điểm Đắk Lắk có 502 cá thể voi nhà. Công tác bảo tồn voi nhà đặt ra trăn trở cho tỉnh Đắk Lắk nói chung, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh nói riêng. Thời gian qua, Trung tâm tích cực hướng dẫn, triển khai cho cán bộ, nhân viên, người lao động cài đặt ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến để truyền tải ứng dụng đến người dân, qua đó nhằm khuyến khích người dân địa phương các vi phạm về động vật hoang dã và trường hợp động vật hoang dã cần được cứu hộ.
Ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến liên kết trực tiếp với Đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã 1800-1522 được tỉnh Đắk Lắk triển khai từ tháng 9/2022. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, người dân dễ dàng cài đặt và phản ánh thông tin, thông báo vi phạm về động vật hoang dã. Ngoài ra, ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến còn cho phép người dân quay phim, chụp hình phản ánh thực tế hiện trường. Tỉnh Đắk Lắk tích cực triển khai, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng này. Được biết, việc liên kết trực tiếp Ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến với Đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã là sáng kiến của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên và Sở Thông tin truyền thông tỉnh Đắk Lắk.
Theo ông Trần Xuân Tiệp, Giám đốc Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk, ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến là một kênh thông tin để trao đổi giữa người dân và chính quyền. Thay vì người dân phải khó khăn, không biết là đường dây nóng của bảo tồn voi nằm ở đâu, lên web nào tương tác, đến nay người dân chỉ cần cài trên điện thoại ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến, tất cả những thông tin cần thiết sẽ được tích hợp vào đây. Trung tâm sẽ tích hợp không chỉ đường dây nóng bảo tồn động vật hoang dã, mà tất cả các đường dây nóng của các hệ thống khác nữa.
Ông Lê Thanh Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến rất thuận lợi cho công tác bảo tồn voi, cứu hộ động vật hoang dã của đơn vị. Cụ thể thuận lợi trong các nguồn tin báo của chính quyền và người dân hay tất cả các lĩnh vực như kỹ thuật trong công tác bảo tồn, cứu hộ động vật hoang dã”.
Bên cạnh triển khai ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến liên kết trực tiếp với Đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên và Sở Thông tin truyền thông tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức tọa đàm, tập huấn cho đội ngũ phóng viên báo chí về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam; phát hành phim ngắn truyền thông, gửi tin nhắn đến các thuê bao hay chia sẻ các hình ảnh, thông điệp trên các mạng lưới thông tin do Sở Thông tin truyền thông tỉnh Đắk Lắk quản lý. Các hoạt động này đều hướng tới mục tiêu truyền tải thông tin pháp luật và khuyến khích người dân không buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi để tỉnh Đắk Lắk thực sự là một điểm đến thân thiện với voi.
Bài 2: Tăng cường thực thi pháp luật