Dịch bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Marburg gây ra đang bùng phát ở Guinea Xích đạo, Trung Phi đã dấy lên quan ngại của giới chuyên môn về sự lây lan của bệnh này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Guinea Xích đạo Mitoha Ondo’o Ayekaba mới đây thông báo nước này đã ghi nhận 9 ca tử vong do nhiễm vi-rút Marburg, vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết có tỷ lệ tử vong như Ebola. Quốc gia này cũng công bố hiện có 16 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh này.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Guinea Xích đạo George Ameh cho biết, WHO đang tăng cường giám sát dịch tễ học tại quốc gia này sau khi xác nhận đợt bùng phát đầu tiên của vi-rút Marburg.
Đại diện WHO tại Guinea Xích đạo George Ameh cho biết: “WHO đang truy vết những người có tiếp xúc với mầm bệnh là nền tảng để đối phó với dịch bệnh. Chúng tôi đã triển khai lại các nhóm công tác trong đợt dịch bệnh Covid-19 tại địa bàn để theo dõi việc tiếp xúc và nhanh chóng trang bị thêm cho họ trong trường hợp cần thiết”.
Hiện Guinea Xích đạo đã cách ly hơn 200 người và hạn chế di chuyển vào tuần trước tại tỉnh Kie-Ntem sau khi phát hiện một bệnh sốt xuất huyết không rõ nguyên nhân.
Theo WHO, vi-rút Marburg là một căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao và gây chết người tương tự như Ebola và có thể có tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Bệnh do vi-rút Marburg gây ra, với các triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy. Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị kháng vi-rút nào được phê duyệt để điều trị bệnh này.
Ông Ameh cho biết thêm: “Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch ứng phó trong 30 ngày, khoảng thời gian để chúng tôi có thể định lượng các biện pháp chính xác và định lượng nhu cầu chính xác là gì”.
Bộ trưởng Y tế Guinea Xích đạo Ayekaba cho biết, chính phủ đã ban bố cảnh báo y tế tại tỉnh Kie-Ntem và huyện Mongomo lân cận. Sau khi đã tham vấn với WHO và Liên Hiệp Quốc (LHQ), chính phủ sẽ triển khai kế hoạch phong tỏa để đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh. Với sự hợp tác chặt chẽ của các chuyên gia WHO và LHQ, giới chức Guinea Xích đạo đã đưa ra một kế hoạch ứng phó khác.
Marburg là một chủng vi-rút lây từ động vật sang người với vật chủ tự nhiên là một loài dơi ăn quả có tên khoa học là Rousettus aegyptiacus. Đây là lý do người có nguy cơ lây nhiễm cao thường là những người sống và tiếp xúc nhiều với các loài dơi hoang dã trong các hang động. Được biết, loài dơi này khá phổ biến tại châu Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải và tiểu lục địa Ấn Độ. Vi-rút có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, hoặc các bề mặt và vật liệu có các chất dịch này.
Bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Marburg có nguồn gốc từ vùng cận Sahara ở Trung và Tây Phi xuất hiện từ năm 1967 và bùng phát từ năm 2014 đến năm 2019. Ở các đợt bùng phát dịch trước, tỷ lệ tử vong khi nhiễm Marburg là từ 24-88%, tùy thuộc vào chủng vi-rút và việc kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, hiện không có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị kháng vi-rút nào có thể áp dụng với vi-rút Marburg. Theo WHO, cơ hội sống sót của bệnh nhân có thể được cải thiện khi được chăm sóc đặc biệt qua việc cung cấp đủ nước cho cơ thể và điều trị các triệu chứng cụ thể.
Bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Marburg gây ra rất nguy hiểm nên WHO kêu gọi các quốc gia liên quan cần thận trọng và có giải pháp kịp thời để ngăn chặn.