Hốc cây nhân tạo cứu sống nhiều động vật hoang dã ở Australia

Động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng của Australia được cứu sống từ phát minh làm rỗng cây của nhà sinh vật học bảo tồn Matt Stephens.

Một con cú trú ẩn trong hốc cây. Ảnh Ákos Lumnitzer/Wildernes.

Hốc cây là những hốc hình thành trong thân hoặc cành của cây sống hoặc cây chết, thường được tìm thấy ở những cây già, trưởng thành.

Hốc cây được hình thành do gió thổi, sét đánh, hỏa hoạn, hoặc do nấm và côn trùng, chủ yếu là mối ăn làm phân hủy gỗ bên trong.

Nhà sinh vật học bảo tồn Matt Stephens đã phát minh ra Hollowhog, công cụ tạo ra các hốc cây nhằm mục đích cứu các loài động vật hoang dã sống phụ thuộc vào hốc cây.

Nhà sinh vật học bảo tồn Matt Stephens và công cụ Hollowhog do ông phát minh để tạo ra các hốc cây nhằm cứu động vật hoang dã. Ảnh chụp tại khu đất ở khu rừng Sun Valley, thuộc vùng Blue Mountains, New South Wales, Australia ngày 6/2. Ảnh: Reuters

Trong khu rừng Sun Valley cách trung tâm Sydney một giờ về phía tây, nhà sinh vật học bảo tồn Matt Stephens nhìn vào một hốc cây được chạm khắc bằng cách sử dụng Hollow hog, một công cụ mà ông đã phát minh ra để tạo ra những ngôi nhà mới cho những loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ở Australia.

Hệ động vật của Australia đang vật lộn với việc mất môi trường sống do khai thác gỗ và cháy rừng, có hàng trăm loài động vật bị đe dọa sống trong các hốc cây.

Nhà sinh vật học bảo tồn Matt Stephens, người phát minh ra công cụ tạo hình hốc cây. Ảnh: Reuters

Phải mất ít nhất 70 đến 120 năm để các hốc cây hình thành trong các khu rừng ở Australia. Trong khi đó, công cụ Hollowhog giúp hình thành những hốc này trong vòng chưa đầy một giờ, và có thể tồn tại hàng trăm năm, có kích thước lớn dần theo cái cây.

Ông Stephens nói: “Tôi biết rằng rất lâu sau khi tôi ra đi sau khi tạo ra hốc cây, có thể là ba trăm năm nữa trong tương lai, cái hốc cây mà chúng tôi đã tạo ra… nó vẫn sẽ ở đó”.

“Tôi chỉ nghĩ rằng đó là một điều thực sự thú vị”, ông tâm sự.

Công nghệ do ông phát minh đã được các cơ quan chính phủ tiểu bang và liên bang, cũng như các nhóm chăm sóc đất sử dụng.

Cho đến nay, hàng nghìn hốc cây được tạo ra bằng công cụ Hollowhog đã được lắp đặt trên khắp nước Australia.

Một hốc cây nhân tạo do công cụ Hollowhog tạo ra.

Hiệp hội Hoang dã, một nhóm bảo tồn nước này ước tính rằng, ở Australia, 303 loài động vật hoang dã bản địa dựa vào các hốc để làm tổ và trú ẩn, trong đó có 31% động vật có vú bản địa và 15% loài chim bản địa.

Từ chiếc máy ảnh được lắp đặt tại một trong những cái hốc cây, Stephens đã thấy nhiều loài động vật sử dụng hốc cây để trú ẩn. Trong đó, có cả những con vẹt như Rainbow Lorikeets và Rosellas, thú có túi như Antechinus hoặc sóc bay và thậm chí cả một con thằn lằn Lace Monitor đang nhìn trộm bên trong.

Anh Eamon Dempsey, một người trồng trọt và chăm sóc cây cối đã chạm khắc hơn một nghìn hốc cây bằng công cụ này.

“Tôi tràn đầy hy vọng rằng sự nghiệp của mình không chỉ là chặt cây mà thực sự có tác động tích cực hơn đến môi trường”, anh ấy nói.

Hồng Lê (Theo Reuters, hollowhog.com.au)

Nguồn: