Tây Ninh Bất chấp phát luật đã quy định rõ về xử lý hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, nhiều cơ sở kinh doanh vẫn buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã.
Nhiều vụ vi phạm bị phát hiện xử lý
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra tại một số địa phương.
Đơn cử, vừa qua, vào lúc 10 giờ, ngày 10/2, Tổ công tác của Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên kiểm tra đột xuất quán ăn Vườn Dừa thuộc tổ 8, ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong thì phát hiện cơ sở đang nuôi nhốt động vật hoang dã gồm: 7 con cu lửa, 2 con cu đất, 30 con chim bồ câu vằn, 5 cá thể hổ ngựa, 3 cá thể rắn ráo trâu là loài quý hiếm thuộc nhóm IIB. Đơn vị tạm giữ số động vật trên tại Hạt Kiểm lâm để xác lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào đầu tháng 2/2023, đơn vị này cũng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện của đối tượng N.T.T (ngụ ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà) khi đối tượng này tự ý mang súng hơi vào rừng thuộc Tiểu khu 58 (địa bàn xã Tân Hòa) để săn bắn chim. Tang vật thu được là một cây súng hơi hiệu Airforce Airgun s2350 – condor, bộ giảm thanh và nhiều đạn chì do đối tượng tự đặt mua trên mạng. Tại thời điểm kiểm tra đối tượng không được sự đồng ý của Kiểm lâm và không có giấy cấp phép sử dụng súng hơi.
Đặc biệt, vào những tháng cuối năm 2022, tại xã Thanh Điền (huyện Châu Thành), Chi cục Kiểm lâm tỉnh bắt quả tang, xử lý hành chính và tịch thu 290 cá thể chim hoang dã các loại do ông H.V.N thực hiện hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Điều đáng nói, trước đó lực lượng kiểm lâm đã nhiều lần nhắc nhở nhưng đối tượng H.V.N vẫn cố tình tiếp tục vi phạm.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, để ngăn chặn tình hình săn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim, động vật hoang dã, ngành đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật.
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp, tăng 1 vụ so với cùng kỳ. Lực lượng Kiểm lâm đã điều tra, xử lý 50 vụ (bao gồm cả số vụ vi phạm năm trước chuyển sang).
Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu khởi tố hình sự 3 vụ, chuyển cơ quan điều tra, xác minh xử lý 7 vụ vi phạm về phá rừng trái pháp luật, số còn lại xử lý hành chính. Tang vật tịch thu gồm 25,582 m3 gỗ các loại; cưa tay, rựa, túi lưới, 7 con rắn ráo trâu, 1 khỉ đuôi dài; 1 xe mô tô lắp ráp (biển số giả), 1 bảng trắng, 11 cái lồng sắt và 376 cá thể chim các loại. Tổng số tiền xử phạt và thu nộp ngân sách trên 275,2 triệu đồng.
Thống kê của Sở NN-PTNT cho thấy, địa phương hiện có 184 cơ sở gây nuôi động vật rừng với mục đích thương mại. Trong đó, ngành đã cấp 57 mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm II và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp phụ lục II và III CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).
“Việc nhập, xuất động thực vật ra khỏi cơ sở gây nuôi đều được cơ quan Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định, đồng thời tổ chức kiểm tra đột xuất khi có tin báo.
Đối với công tác quản lý khai thác động thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động thực vật hoang dã thuộc phụ lục CITES, Sở đã chỉ đạo thành lập tổ liên ngành phối hợp với các đơn vị trực thuộc và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ săn bắt động vật rừng, khai thác thực vật rừng trái phép, đồng thời xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm.
Săn bắt thú rừng, động vật rừng quý hiếm có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào giá trị và mức độ quý hiếm của động vật bị săn bắt mà có thể chia làm 2 trường hợp: bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.Theo Điều 21 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, có tới 14 mức phạt hành chính đối với hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật. người nào có hành vi săn bắt trái phép động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm sẽ bị phạt ít nhất là 05 triệu đồng và nhiều nhất là 400 triệu đồng, tùy theo giá trị và loại động vật (động vật rừng thông thường hay động vật quý hiếm).
Ngoài ra, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tịch thu tang vật, dụng cụ, công cụ vi phạm; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường như là một biện pháp khắc phục hậu quả. Đặc biệt, nếu vi phạm Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 57 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |