Sau gần một năm tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng tại Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha-Kẻ Bàng, 7 cá thể hổ Đông Dương đã sinh trưởng, phát triển tốt. Điều đó khẳng định năng lực cứu hộ, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp môi trường tự nhiên.
Hổ thích nghi môi trường
Được sự nhất trí của UBND tỉnh Quảng Bình, tháng 3-2022, Ban Quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đã tiếp nhận 7 cá thể hổ Đông Dương (trong đó có 2 cá thể hổ cái) từ Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã VQG Pù Mát, tỉnh Nghệ An để tiến hành chăm sóc, nuôi dưỡng. Sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi 7 cá thể hổ trên là tang vật của một chuyên án được điều tra, phát hiện, thu giữ; sau đó được cứu hộ bước đầu tại VQG Pù Mát. Tuy nhiên, do không đủ điều kiện chăm sóc, Ban Quản lý VQG Pù Mát đề xuất Ban Quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng tiếp nhận và chăm sóc 7 cá thể hổ này.
Ông Đinh Huy Trí, Phó giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết: “Để các cá thể hổ sinh trưởng tốt, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trước đó, đơn vị đã làm tốt công tác chuẩn bị, từ việc xây dựng kế hoạch, kịch bản tiếp nhận, quy trình cứu hộ khẩn cấp; cử cán bộ tham gia tập huấn quy trình, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng; xây dựng phương án bảo đảm chuồng trại nuôi nhốt, định lượng, khẩu phần ăn cho đàn hổ theo từng giai đoạn sinh trưởng…”.
Anh Nguyễn Tất Thắng, bác sĩ thú y VQG Phong Nha-Kẻ Bàng thông tin thêm: 7 cá thể hổ được nuôi nhốt trong lồng sắt ở khu vực rừng nguyên sinh ít người qua lại. Mỗi ngày, đơn vị phải trích kinh phí khoảng 2,6 triệu đồng mua các loại thịt bò, gà, thỏ… làm thức ăn cho đàn hổ. Thời gian tới, khi những cá thể hổ này lớn hơn thì định mức khẩu phần ăn phải tăng thêm. Chính vì vậy, bên cạnh chăm sóc, nuôi dưỡng để đàn hổ phát triển tốt, đơn vị đã có phương án bảo đảm nguồn thức ăn lâu dài.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết: “Hiện tại, kinh phí để nuôi dưỡng, chăm sóc đàn hổ được trích từ ngân sách tỉnh, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng và xã hội hóa. Thời gian tới, chúng tôi đã có kế hoạch huy động thêm nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân theo hình thức xã hội hóa để bảo đảm tốt hơn cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng 7 cá thể hổ này”.
Mở rộng môi trường bán hoang dã
Được chăm sóc tốt trong môi trường sống phù hợp, 7 cá thể hổ đã phát triển tốt. Đến nay, trung bình mỗi cá thể hổ nặng hơn 100kg (tăng hơn 50kg so với thời điểm tiếp nhận từ VQG Pù Mát) và không bệnh tật. Điều này đã khẳng định năng lực cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng động vật hoang dã quý hiếm của đội ngũ cán bộ, nhân viên VQG Phong Nha-Kẻ Bàng. Tuy nhiên, không gian sống của 7 cá thể hổ đã quá chật hẹp, chính vì vậy, việc mở rộng không gian sinh tồn cho đàn hổ là thật sự cấp thiết. Đặc biệt, việc bố trí khu nuôi nhốt hổ chung với khu nuôi nhốt các nhóm thú khác là chưa bảo đảm yêu cầu về chăm sóc và phát triển các cá thể hổ cũng như các loài động vật khác.
Trên cơ sở đề nghị của Ban Quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, ngày 22-11-2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cụm trung tâm thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng khu cứu hộ động vật hoang dã tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng. Theo đó, khu vực lập quy hoạch chi tiết tại Km8, đường 20 Quyết Thắng thuộc VQG Phong Nha-Kẻ Bàng (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch). Phạm vi điều chỉnh quy hoạch có tổng diện tích 13.240m2 với nhiều hạng mục; trong đó, khu chăm sóc, nuôi dưỡng động vật (loài hổ) có diện tích 3.488,2m2.
Việc UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cụm trung tâm thuộc quy hoạch chi tiết xây dựng khu cứu hộ động vật hoang dã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đàn hổ sinh trưởng trong môi trường bán hoang dã. Hiện VQG Phong Nha-Kẻ Bàng khẩn trương triển khai xây dựng các hạng mục theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Bên cạnh nguồn ngân sách của tỉnh, Ban Quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đã nhận được sự hỗ trợ nguồn kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã.
PGS, TS Đồng Thanh Hải, chuyên ngành bảo tồn động vật hoang dã, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: “Sau khi đề án hoàn thành, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình tái thả hổ trong môi trường bán hoang dã. Tuy nhiên, để đàn hổ phát triển tốt thì việc chăm sóc cần phải được theo dõi thường xuyên, cẩn trọng dưới nhiều góc độ, trong đó cần chú trọng bảo đảm tốt nguồn thức ăn, kiểm soát bệnh tật dưới sự theo dõi chặt chẽ của các chuyên gia nghiên cứu, bảo tồn động vật hoang dã”.
Hổ Đông Dương (tên khoa học: Panthera tigris corbetti) sống chủ yếu ở bán đảo Đông Dương, được tìm thấy tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Từ thập niên 1960 trở về trước, hổ Đông Dương xuất hiện ở các vùng núi của Việt Nam, thậm chí cả vùng trung du và hải đảo, nhưng hiện nay chỉ còn sinh sống chủ yếu ở Myanmar, Thái Lan. Hổ Đông Dương không còn được ghi nhận tồn tại trong môi trường hoang dã ở Việt Nam kể từ năm 1997.