Ngày 10-2, Cơ quan Quản lý thảm họa và Tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết, có ít nhất 18.342 người Thổ Nhĩ Kỳ, 3.377 người Syria thiệt mạng do trận động đất ngày 6-2. Đây chưa phải là con số thương vong cuối cùng do vẫn còn nhiều nạn nhân bị vùi trong đống đổ nát. Sau trận động đất, hơn 100 dư chấn mạnh trên 4 độ richter đã đo được tại khu vực. Điều này làm gia tăng thiệt hại, đồng thời khiến công tác cứu hộ thêm khó khăn.
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đến thời điểm này, 70 quốc gia trên thế giới đã đề nghị giúp đỡ trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mở các khách sạn ở trung tâm du lịch của Antalya, phía Tây nước này, để làm nơi tạm trú cho những người bị ảnh hưởng bởi động đất.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Hội đồng Bảo an cho phép mở thêm các điểm nhận viện trợ nhân đạo qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ của Liên hợp quốc tới các khu vực bị ảnh hưởng của thảm họa động đất tại Syria.
Tổng thư ký A.Guterres nhấn mạnh, thảm họa động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong thời đại hiện nay. Hiện chưa có đánh giá đầy đủ về mức độ thiệt hại cũng như quy mô khủng hoảng nhân đạo mà động đất gây ra. Liên hợp quốc sẽ ra lời kêu gọi quyên góp cho những nạn nhân bị ảnh hưởng trong động đất ở Syria.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đang tiến hành các bước để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khoản hỗ trợ và phục hồi tài chính trị giá 1,78 tỷ USD. Trong khi đó, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết sẽ cung cấp khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 85 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đức tuyên bố sẽ tăng thêm 26 triệu euro (28 triệu USD) viện trợ nhân đạo cho Syria để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân sau trận động đất kinh hoàng.