Hàng trăm loài chim quý trú ngụ ở các bãi sông Hồng cần được bảo tồn

Theo Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD), các hoạt động nghiên cứu mới đây ghi nhận được sự có mặt của ít nhất 232 loài chim, trong đó có 192 loài di cư bao gồm cả loài cực kỳ nguy cấp như Sẻ đồng ngực vàng tại các bãi bồi, bãi giữa sông Hồng (Hà Nội).

Thành phố Hà Nội có những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, sinh cảnh của nhiều loài nguy cấp, đặc hữu.

Trong đó, sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Hà Nội có chiều dài khoảng 120 km, nằm trên địa bàn 17 quận, huyện và thị xã, với nhiều bãi giữa, bãi bồi có diện tích lớn và là nơi sống của nhiều loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim.

Các khu vực bãi bồi, bãi giữa cũng là nơi dừng chân, trú đông, sinh sống, làm tổ của nhiều loài chim hoang dã, di cư, gồm cả những loài Nguy cấp (EN), và Cực kỳ nguy cấp (CR) ở mức độ toàn cầu, bao gồm cả các loài di cư trên tuyến Đông Á – Úc Châu ..

Trong các năm 2021 và 2022, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh (GFD) hỗ trợ Chi cục kiểm lâm Hà Nội thực hiện các hoạt động điều tra thành phần loài, xác định các tác động bất lợi nhằm đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi được sinh cảnh tự nhiên cho chim hoang dã ở các vùng bãi bồi, bãi giữa.

Hoạt động nghiên cứu đã ghi nhận được sự có mặt của ít nhất 232 loài chim. Trong đó có 192 loài di cư bao gồm cả loài Cực kỳ nguy cấp như Sẻ đồng ngực vàng (Emberiza aureola).

Hoạt động điều tra cũng đã bổ sung cho danh lục các loài chim ở Hà Nội 2 loài chim mới là Sáo đá xanh (Sturnus vulgaris) và Vịt vàng (Tadorna ferruginea).

Theo đại diện CCD, nghiên cứu trên cũng đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm bảo vệ các loài chim, phục hồi sinh cảnh tự nhiên ở các bãi bồi, bãi giữa sông Hồng.

Đơn cử như các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho công chúng; các hoạt động trải nghiệm, thi chụp ảnh chim; các hoạt động tuần tra bảo vệ, ngăn chặn, thảo gỡ lưới bắt chim vào mùa di cư; lập các khu bảo tồn chim ở bãi giữa; trồng bổ sung và phục hồi các sinh cảnh tự nhiên trên các bãi…

Dưới đây là một số hình ảnh và khoảnh khắc tuyệt đẹp của các loài chim hoang dã đã được chụp, quay trong quá trình thực hiện hoạt động điều tra, nghiên cứu:

Cắt Amur (tên khoa học là Falco amurensis). Nguồn ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD)
Sáo đá xanh (tên khoa học là Sturnus vulgaris). Nguồn ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD)
Mai hoa (tên khoa học là Amandava amandava). Nguồn ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD)
Bãi bồi và bãi giữa Hồng Hà, Đan Phượng. Nguồn ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD)