Tính đến 8h10 sáng 9/2, hơn 15.000 người đã thiệt mạng trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Giới chuyên gia cảnh báo con số này có thể tăng gấp đôi trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra.
Tính đến 8h10 ngày 9/2 (theo giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xảy ra sáng 6/2 đã lên tới 15.383 người.
Theo số liệu chính thức được công bố, số người thiệt mạng do động đất là hơn 12.391 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và ít nhất 2.992 người tại Syria. Giới chuyên gia cảnh báo con số này có thể tăng gấp đôi trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra.
Khi tới thăm Kahramanmaras, tâm chấn của trận động đất, hôm 8/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thừa nhận “những thiếu sót” trong ứng phó của chính phủ đối với trận động đất.
Trận động đất đã san phẳng hàng nghìn tòa nhà ở những khu vực bị ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ, khiến một số lượng người không xác định bị mắc kẹt, cản trở các hoạt động cứu trợ vốn đã bị cản trở bởi thời tiết băng giá.
Cơ hội để lực lượng cứu hộ tìm thấy những người sống sót đang dần thu hẹp khi thời gian tính từ khi động đất xảy ra ra gần chạm mốc 72 giờ, vốn được các chuyên gia thảm họa coi là khoảng thời gian có khả năng cứu sống nhiều người nhất.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ công tác khắc phục thảm họa
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục chung tay hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng này.
Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã quyết định viện trợ nhân đạo 100.000 USD cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp Ankara giải quyết những khó khăn do trận động đất gây ra, cũng như hỗ trợ các nỗ lực ứng cứu hiện nay.
Tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp lớn đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ các nạn nhân của thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON, Tập đoàn Seven & iHoldings đã đặt thùng quyên góp tại các cơ sở trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc và nhận quyên góp tới cuối tháng Hai.
Bên cạnh đó, các khoản quyên góp gồm 39 triệu yen (khoảng 300.000 USD) từ Tập đoàn công nghệ thông tin Yahoo, 20 triệu yen từ Tập đoàn Suntory Holdings cũng đã được chuyển đến Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) để hỗ trợ tái thiết vùng thảm hỏa thiên tai.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã cử Đội cứu trợ khẩn cấp quốc tế lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong tối 6/2 và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ nhiều nhất có thể để quốc gia này khắc phục hậu quả động đất.
Đội cứu trợ khẩn cấp quốc tế của chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ có 75 thành viên, bao gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Cơ quan Quản lý thảm họa thiên tai và cứu hỏa, đội ngũ y tế, chuyên gia về kết cấu hạ tầng, Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA)…
Nhóm đầu tiên gồm 18 thành viên đã xuất phát từ sân bay quốc tế Haneda ngay trong tối 6/2 và lực lượng còn lại cũng đã tới Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 7/2.