Gần 14.000 người từ 2 cộng đồng dân cư Ogale và Bille tại Nigeria đã gửi yêu cầu bồi thường đối với tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell của Anh với các cáo buộc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nguồn nước và hủy hoại môi trường sống.
Vào năm 2021, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã cho phép một nhóm gồm 42.500 nông dân và ngư dân Nigeria kiện Shell sau nhiều năm tràn dầu khiến đất và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng nề.
Tới ngày 2/2/2023, công ty luật Leigh Day của Vương quốc Anh cho biết 11.317 người và 17 tổ chức, bao gồm nhà thờ và trường học từ cộng đồng dân cư Ogale ở đồng bằng Niger tại Nigeria tiếp tục nộp đơn yêu cầu Shell bồi thường thiệt hại về kinh tế do các sự cố tràn dầu. Vì vậy cùng với các yêu cầu bồi thường từ cộng đồng dân cư Bille năm 2015 trước đó, tổng số người dân Nigeria yêu cầu Shell bồi thường đã lên tới con số 13.652 người.
Theo Guardian trích dẫn các thông tin được công bố, các sự cố tràn dầu trong nhiều thập kỷ tại Ogale đã khiến nguồn nước tại khu vực này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng trong khi khiến cá chết hàng loạt và hủy hoại đất nông nghiệp. Hầu hết nước chảy ra từ các vòi hoặc giếng khoan ở Ogale đều có mùi hôi nồng nặc của dầu và có màu nâu hoặc được bao phủ bởi một lớp dầu bóng.
Một báo cáo của Đại học St Gallen ở Thụy Sĩ cho thấy có khoảng 11.000 ca chết yếu mỗi năm đồng bằng sông Niger. Mặt khác, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ sơ sinh ở khu vực này có nguy cơ tử vong trong tháng đầu tiên cao gấp đôi nếu người mẹ sống gần khu vực tràn dầu.
Trong khi đó tại Bille, sự cố tràn dầu từ các cơ sở hạ tầng của Shell đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các con sông xung quanh khu vực này. Nhiều người sống gần nguồn nước cho biết luôn ngửi thấy mùi dầu trong nhà của mình. Tình hình càng trở nên tồi tệ một khi thủy triều lên và nước có lẫn với dầu tràn vào tận nhà gây thiệt hại tài sản và của cải.
Do các vụ tràn dầu, nhiều khu vực rừng ngập mặn rộng lớn của Bille đã bị phá hủy trong khi hầu hết các loài cá và động vật có vỏ trên sông đều đã chết, khiến những người dân không có nguồn thực phẩm hoặc thu nhập.
Các khiếu nại được đệ trình lên tòa án tối cao lập luận rằng Shell và công ty con SPDC tuy có nhận thức được về sự cố tràn dầu có hệ thống từ các đường ống của mình trong nhiều năm nhưng lại không tiến hành bất cứ biện pháp nào để ngăn chặn hoặc làm sạch môi trường.
Ngược lại, trong một phản ứng trước các đơn yêu cầu bồi thường này, Shell cho biết công ty không chịu trách nhiệm pháp lý trước những hành động của công ty con của mình tại Nigeria là SPDC dưới tư cách là công ty mẹ.
Theo lập luận của tập đoàn này, các cộng đồng dân cư tại Nigeria hoàn toàn không có tư cách pháp lý buộc Shell phải dọn dẹp các hệ quả môi trường. Nguyên nhân là do các cá nhân bị cấm yêu cầu bồi thường cho sự cố tràn dầu đã xảy ra 5 năm trước khi họ nộp đơn yêu cầu. Thêm vào đó, công ty cũng không chịu trách nhiệm về việc các băng đảng ăn trộm dầu từ các đường ống của Shell – nguyên nhân chính được tập đoàn này cho là đã gây ra nhiều sự cố tràn dầu.
Cụ thể, người phát ngôn của Shell cho biết: “Phần lớn các sự cố tràn dầu liên quan đến tuyên bố của các cư dân Bille và Ogale là do sự can thiệp bất hợp pháp của bên thứ 3 với mục đích phá hoại đường ống và các hình thức trộm cắp dầu khác. Việc chế biến dầu thô bị ăn trộm bất hợp pháp trên quy mô lớn cũng chính là nguồn gây ô nhiễm dầu chính tại khu vực này”.
Vì vậy khi trả lời Guardian, đại diện Shell cho biết công ty đang làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan của Nigeria để ngăn chặn hành vi phá hoại, trộm cắp dầu thô và lọc dầu bất hợp pháp. Đồng thời, công ty cũng đã hoàn thành các công tác dọn dẹp và khắc phục tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Vụ kiện này diễn ra trong bối cảnh Shell chuẩn bị rời khỏi vùng đồng bằng Niger sau 86 năm hoạt động tại đây. Tuy không công bố chi tiết lợi nhuận của từng khu vực, những báo cáo dựa trên thuế trả cho chính phủ Nigeria của Shell cho thấy các hoạt động của tập đoàn tại quốc gia này chiếm một phần quan trọng trong tổng lợi nhuận hàng năm.