Trong hai năm ngắn ngủi nữa thôi, châu Âu sẽ áp thuế carbon đối với cả hàng nhập khẩu, trước mắt là đối với thép, xi măng, phân bón, sắt, nhôm và đồ điện. Đây hẳn là một trào lưu toàn cầu mới, khởi phát từ các nền kinh tế lớn nhằm đối phó biến đổi khí hậu. Đó là trào lưu sử dụng công cụ tài chính bao gồm cả áp thuế carbon đối với hàng nhập khẩu, bên cạnh yêu cầu báo cáo tác động khí hậu đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài, và chế độ ưu đãi đầu tư xanh vào trong nước. Các biện pháp tài chính chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp ở mọi quốc gia có giao thương với nhau. Vì thế, các công ty Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ.
Nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới việc định giá carbon phổ quát. Các công ty đi trước trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon có thể giành lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Cùng với Canada, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác, kế hoạch mua bán khí thải (ETS) của EU là chính sách khí hậu quan trọng nhất của khối này, được cải cách từ ngày 18-12-2022 nhằm mở rộng thị trường carbon bao trùm nhiều lĩnh vực và tăng mức giảm phát thải khí nhà kính.
Kế hoạch này buộc các công ty sản xuất trong khối và các nhà nhập khẩu ngoài khối phải cắt giảm carbon trong tất cả các sản phẩm lưu hành trên thị trường. Điều này buộc các công ty muốn đưa sản phẩm vào thị trường châu Âu (cũng như nhiều thị trường lớn khác) phải thay đổi công nghệ, mặt khác cũng tạo nên thị trường tín dụng carbon.
Theo ETS của EU, các cơ sở được phân bổ một số lượng tín dụng ô nhiễm miễn phí cố định và phải hạn chế lượng khí thải của họ ở mức đó. Số lượng tín dụng phát hành được giảm dần hàng năm và các công ty có thể bán các khoản tín dụng chưa sử dụng của họ. Cách thức hoạt động này gây áp lực lên giá cả của từng mặt hàng sản xuất và nhập khẩu.
Sản phẩm từ các nhà máy điện, lọc dầu và sản xuất thép, nhôm, xi măng, giấy, hóa chất hữu cơ và các vật liệu khác sẽ phải giảm lượng khí thải xuống dưới mức 43% vào năm 2030. Ngành vận tải biển sẽ phải giảm xuống dưới mức 62% vào năm 2030. Các hãng bán khí đốt tự nhiên và xăng dầu cũng bắt đầu nhận giấy phép carbon với số lượng tín dụng ô nhiễm nhất định vào năm 2027.
Theo kế hoạch cải cách thuế quan công bố mới đây, một khi lượng phân bổ giấy phép miễn phí hàng năm cho các công ty ở châu Âu giảm xuống, các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa có lượng khí thải thấp cũng sẽ tác động lên hàng hóa được nhập khẩu từ bên ngoài EU.
Theo cách đó, các công ty muốn bán sản phẩm vào EU sẽ phải cạnh tranh với nhau dựa trên độ sạch khí thải carbon, và vì vậy, các doanh nghiệp phải hướng đến công nghệ xanh ngay tại nước sản xuất.
Các biện pháp tài chính đang trở nên phổ quát hơn trong môi trường toàn cầu chống biến đổi khí hậu bằng việc khuyến khích hay hạn chế, ưu đãi hay chế tài nguồn vốn đầu tư vào các dự án, tùy vào mức độ phát thải carbon.
Từ đó, các kế hoạch của doanh nghiệp, khu vực hay quốc gia sẽ phải thay đổi. Đơn cử biện pháp ưu đãi đầu tư vào năng lượng tái tạo ở nước ta đang tạo nên những dự án lớn, và trong tương lai, Việt Nam có thể là nước xuất khẩu sản phẩm năng lượng tái tạo, đặc biệt là nhiên liệu hydrogen hóa lỏng.
Cần lưu ý khuynh hướng chung của các dòng vốn là không chỉ đổ vào các doanh nghiệp sinh lợi nhiều mà còn vào những doanh nghiệp ít phát thải. Nhằm bảo đảm mục tiêu thứ hai này, vào tháng 3-2022, Mỹ đã ban bố hồ sơ Trách nhiệm về công khai tài chính liên quan đến khí hậu (Task Force on Climate-related Financial Disclosures – TCFD) đối với các doanh nghiệp của họ. Kể từ tháng 4-2022, Nhật Bản quy định các công ty niêm yết trên thị trường Prime của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo phải tuân thủ các yêu cầu bắt buộc về công bố thông tin rủi ro khí hậu theo tiêu chuẩn TCFD.
Trước đó, châu Âu khuyến cáo các quyết định đầu tư thông qua Chỉ thị Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (Corporate Sustainability Reporting Directive – CSRD)…
_____________
Tham khảo:
https://qz.com/eu-carbon-market-emissions-trading-scheme-1849909568
https://www.npr.org/2022/03/20/ 1087495296/sec-climate-change-disclosure-risks-greenhouse-gas-emissions