Cũng như các huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Nam, huyện Đông Giang xác định phát triển kinh tế “thuận thiên” vừa giúp đồng bào cải thiện sinh kế bền vững, đồng thời duy trì và phát huy giá trị đa dạng sinh học một cách tự nhiên, tránh khai thác tài nguyên một cách cạn kiệt.
PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang để hiểu rõ hơn về mô hình kinh tế “thuận thiên” giúp bà con thoát nghèo bền vững ở huyện miền núi này.
PV: Thưa ông, Đông Giang là huyện miền núi còn nhiều có khó khăn của tỉnh Quảng Nam. Thời gian qua địa phương đã có những giải pháp gì để đa dạng sinh kế giúp người dân xoá đói giảm nghèo?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Địa phương đã tích cực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng như mô hình trồng rừng gỗ lớn, trồng chuối, ớt a riêu, trồng chè dây. Hiện, toàn huyện có 6 Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp, trong đó có một số HTX đứng ra làm chủ trì các dự án liên kết trong sản xuất nông nghiệp như: liên kết nuôi gà thả vườn, trồng măng cụt, trồng sầu riêng, trồng ớt a riêu, chè dây, …; triển khai có hiện quả chương trình OCOP, đến nay đã có 12 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh.
Một số mô hình trồng mây dưới tán rừng tự nhiên tại xã A Ting, Sông Kôn, khai thác Mây bền vững tại xã Mà Côi bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân từ việc chăm sóc, khai thác Mây bền vững…giúp người dân có thể sống được từ rừng. Huyện đã tập trung quyết liệt các giải pháp huy động, lồng ghép các nguồn lực xã hội hiệu quả, đúng mục tiêu, đối tượng, đặc biệt tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo, người đăng ký thoát nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay, tham gia trực tiếp các lớp tập huấn, hội thảo, nâng cao năng lực từ các chương trình chính sách giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, các chương trình, chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện rất ổn định, người dân có nguồn thu nhập cao và yên tâm giữ rừng, đơn giá bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên (trung bình đạt 500.000 đồng/ha) góp phần ổn định đời sống cho người dân địa phương.
PV: Huyện Đông Giang có tiềm năng đất đai dưới tái rừng rất lớn, huyện đã có những kế hoạch phát triển lâm – nông nghiệp “thuận thiên” cụ thể như thế nào để vừa phát triển sinh kế và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Mô hình lâm – nông nghiệp “thuận thiên” được hiểu là phát triển sinh kế bền vững cho người dân gắn với bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học một cách tự nhiên, tránh khai thác tài nguyên đất đai, rừng một cách cạn kiệt. Đến nay, địa phương đã triển khai thực hiện tốt phương án rà soát, xác định diện tích và giải quyết quyền lợi của người dân đối với rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân nay thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo Kế hoạch số 5899/KH-UBND ngày 9/10/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các mô hình giao khoán bảo vệ rừng theo hướng nâng cao chất lượng cung ứng các loại dịch vụ từ rừng, du lịch sinh thái; bảo tồn và phát triển các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm, nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng tạo tiền đề cho việc nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+); phối hợp với các ngành của tỉnh thực hiện thành công đề án tính chỉ các-bon rừng tại xã Tư, Mà Cooih và đề xuất nhân rộng.
Khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ, trồng mây dưới dưới tán rừng tự nhiên cho các hộ gia đình theo các chương trình, chính sách của tỉnh và trưng ương… Hoạt động này đã góp phần mang đến sinh kế bền vững cho hơn hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Cùng với đó, hệ sinh thái rừng được giữ nghiêm ngặt, nguồn tài nguyên thiên nhiên được khôi phục và phát triể,
Hiện nay, chúng tôi cũng đang tiếp tục triển khai và thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng theo Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025.
PV: Thời gian tới, địa phương có những định hướng gì để vừa thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cho người dân miền núi vừa bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái bền vững, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Tùng: Địa phương xác định sinh kế phải phù hợp với chính sách của tỉnh, nhưng cũng duy trì và phát huy giá trị đa dạng sinh học. Do đó, thời gian tới chúng tôi tiếp tục bảo vệ rừng bằng các giải pháp thực hiện tốt các quy hoạch, đề án, dự án về quản lý bảo vệ và phát triển rừng như tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050, tích hợp vào quy hoạch chung về phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Rà soát, xác định ranh giới quy hoạch 3 loại rừng, tiến hành đóng mốc ranh giới trên thực địa để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.
Triển khai thực hiện tốt các công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng theo các chương trình, dự án, đặc biệt là chương trình trồng rừng gỗ lớn theo Dự án bảo vệ và phát triển rừng hằng năm, trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng rừng sản xuất và lâm sản ngoài gỗ.
Ngoài ra, triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý bảo vệ, sử dụng, phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; Phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác. Chúng tôi cũng chú trọng công tác xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã để triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi từ trồng rừng, cấp chứng chỉ rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo đến cuối năm 2022, toàn huyện Đông Giang còn 3.394 hộ nghèo chiếm tỷ lệ hơn 45% số hộ dân, giảm 511 hộ so với năm 2021 tương ứng với 7,7%, số hộ thoát nghèo năm 2022 giảm 583 hộ. Đời sống của người dân đã từng bước được cải thiện hơn. |