Khi loài chuồn chuồn kim xuất hiện trở lại ở Pháp vào năm 2009 sau 133 năm vắng bóng, nó được coi là một phép màu nhỏ.
Nhưng trong 4 năm qua, loài họ hàng nhỏ nhắn của chuồn chuồn này lại mất tích tại Pháp, làm dấy lên lo ngại nó có thể biến mất vĩnh viễn. Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết đây là dấu hiệu đáng lo ngại về “sức khỏe” của các vùng đất ngập nước quý giá trên thế giới nơi loài chuồn chuồn kim sinh sản.
Những con chuồn chuồn kim phải đối mặt với mối đe dọa trên nhiều mặt trận. Ở châu Á, vùng đất ngập nước và rừng rậm nơi chúng sinh sống thường bị chặt phá để trồng các loại cây như dầu cọ. Ở châu Mỹ Latinh, môi trường sống của chúng bị san bằng để xây dựng nhà ở và văn phòng. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, thuốc trừ sâu, ô nhiễm và biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất.
Vì vậy, khi lần đầu tiên kể từ năm 1876, loài chuồn chuồn kim Nehalennia speciosa được phát hiện ở vùng đất ngập nước ở Jura, miền Đông nước Pháp, các nhà khoa học đã vô cùng vui mừng. Họ gọi phát hiện này là “tin sốt dẻo về sinh thái”. Nhưng lần cuối ghi nhận sự xuất hiện của chuồn chuồn kim là vào năm 2019, khi một đợt hạn hán nghiêm trọng càn quét Jura. Các chuyên gia lo ngại rằng loài này có thể không trở lại lần thứ hai.
Với thân hình mảnh mai màu lục lam giống như cây tre và đôi cánh trong mờ mỏng manh, nhiều người không thông thạo có thể nhầm lẫn Nehalennia speciosa với chuồn chuồn. Cần phải rung các bụi rậm để phát hiện được loài chuồn chuồn kim với chiều dài chỉ khoảng 25 mm này. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết 16% trong tổng số 6.016 loài chuồn chuồn và chuồn chuồn kim trên toàn cầu có nguy cơ tuyệt chủng. Tại Pháp, chuồn chuồn kim được xếp vào loại “vô cùng nguy cấp”.
Văn phòng vì côn trùng và môi trường sống của chúng (OPIE) của Pháp nghi ngờ loài chuồn chuồn kim có thể đã lại biến mất. OPIE sẽ chỉ xác nhận một loài “được chứng minh là biến mất” sau 25 năm nghiên cứu cẩn thận được tiến hành nhưng không phát hiện. Ông Xavier Houard tại OPIE không mất hy vọng. Ông nói: “Loài này đã thể hiện khả năng vượt qua radar của các nhà quan sát” trong hơn một thế kỷ.
Sự biến mất của loài chuồn chuồn kim phản ánh mức độ dễ bị tổn thương của các vùng đất ngập nước ở Pháp – một thực tế cũng được ghi nhận trên khắp châu Âu và toàn thế giới. Tổng giám đốc IUCN Bruno Oberle vào năm 2021 cho biết: “Trên toàn cầu, những hệ sinh thái này đang biến mất nhanh gấp ba lần so với rừng”.
Kể từ năm 1900, ước tính 64% vùng đất ngập nước trên thế giới – bao gồm hồ, sông, đầm lầy, đầm phá và đầm lầy than bùn – đã biến mất. Các vùng đất ngập nước rất quan trọng đối với sức khỏe của hành tinh, chúng lưu trữ 25 % carbon của thế giới đồng thời cung cấp nước sạch và thực phẩm. Theo Liên hợp quốc, có tới 40% các loài trên thế giới sống và sinh sản ở vùng đất ngập nước. Tuy nhiên, một phần tư đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Liên hợp quốc cho biết có một “nhu cầu cấp thiết” để khôi phục 50% vùng đất ngập nước bị phá hủy vào năm 2030.