Các sàn giao dịch khác trên khắp châu Á đang có kế hoạch tung ra các nền tảng để hỗ trợ cho thị trường này.
Kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua vào năm 2015, phát thải carbon lại có xu hướng tăng chứ không hề giảm, ngoại trừ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Quá trình chuyển đổi cần được đẩy nhanh hơn để đạt được mục tiêu cắt giảm 45% carbon vào năm 2030 và đạt mức cân bằng vào năm 2050.
Cần được đẩy nhanh hơn
Thị trường carbon tự nguyện, khi được doanh nghiệp sử dụng với mục đích bổ sung (không phải thay thế) cho hoạt động giảm phát thải carbon trong hoạt động của chính họ trên hành trình chuyển dịch hướng đến cân bằng phát thải, là một công cụ có thể đẩy nhanh hành động đối phó với biến đổi khí hậu. Vì thế, việc giúp doanh nghiệp giảm phát thải carbon là nhiệm vụ tối quan trọng. Trong đó, thị trường carbon tự nguyện cũng đang lấy đà. Đây là nơi doanh nghiệp ủng hộ các giải pháp phát thải carbon thấp bên ngoài chuỗi giá trị của họ và từ đó nhận được các tín chỉ carbon có thể dùng vào mục đích bù đắp hoặc bù trừ một phần lượng phát thải của chính họ.
Theo Ecosystem Marketplace, thị trường carbon tự nguyện năm 2021 lần đầu tiên đạt giá trị hơn 2 tỉ USD. Tuy vẫn còn non trẻ nhưng thị trường này gần đây tăng trưởng nhanh chóng và được kỳ vọng duy trì tốc độ này, thậm chí còn gia tăng, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp có hành động cụ thể trong lĩnh vực biến đổi khí hậu nhằm đạt được mục tiêu cân bằng phát thải đã đề ra.
Thị trường tín chỉ carbon tự nguyện mang lại cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh tế hướng tới các thông lệ bền vững hơn, chẳng hạn như trồng cây mang nhiều giá trị hơn chặt phá rừng. Tất nhiên, các dự án tạo tín chỉ carbon cũng có thể mang lại vô số lợi ích to lớn khác cho con người và hành tinh như hỗ trợ cung cấp nguồn nước sạch và đất canh tác tốt, đồng thời củng cố các quyền về đất đai và tài nguyên của cộng đồng, góp phần tăng thu nhập của người dân bản địa và cộng đồng địa phương.
Trước đây, các tín chỉ carbon tự nguyện được giao dịch thông qua các thỏa thuận song phương được thương thảo riêng giữa người mua và người bán. Hiện nay, tín chỉ carbon có thể được mua thông qua các sàn giao dịch và thương mại tín chỉ carbon chuyên biệt. Với sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon tự nguyện, nhiều sàn giao dịch lâu đời nghiên cứu kế hoạch ra mắt các dịch vụ của riêng họ.
Vào tháng 7, HKEX đã công bố Hội đồng Thị trường carbon Quốc tế Hồng Kông nhằm phát triển Hồng Kông trở thành một thị trường carbon quốc tế và là một trung tâm của châu Á. Sở Giao dịch Chứng khoán của Malaysia cũng có ý định khởi động thị trường carbon tự nguyện vào cuối năm nay trong khi Sở Giao dịch Singapore đã giúp thiết lập nền tảng giao dịch mới mang tên Climate Impact X.
Tại Trung Đông, quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Saudi, Quỹ đầu tư công và sàn giao dịch chứng khoán Saudi, Tadawul có kế hoạch thiết lập một sàn giao dịch tự nguyện ở Riyadh đối với tín chỉ carbon trong khu vực.
Chất lượng là ưu tiên
Bất kể tín chỉ carbon được mua bán như thế nào, điều quan trọng là phải có chất lượng cao, ví dụ như người mua có thể tin tưởng vào những lợi ích khí hậu. Hội đồng Liêm chính cho Thị trường Carbon Tự nguyện, được thành lập vào tháng 9/2021, là một sáng kiến nhằm thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn ngưỡng toàn cầu đối với tín chỉ carbon chất lượng cao trong thị trường carbon tự nguyện.
Nguyên tắc “đảm bảo kết quả” phải giữ vai trò trung tâm trong bất kỳ tín chỉ carbon chất lượng cao nào, mà nếu thiếu nó, dự án tạo ra tín chỉ carbon sẽ không diễn ra và đây là điểm thu hút sự chú ý nhất trên thị trường.
Hội đồng Liêm chính đã giải quyết vấn đề này cùng nhiều chủ đề khác trong năm 2022 và gần đây đã triển khai lấy ý kiến cộng đồng nhằm xây dựng dự thảo khuôn khổ định nghĩa tín chỉ carbon chất lượng cao. Mặc dù đây là cột mốc quan trọng nhưng để đạt được thỏa thuận của tất cả các bên liên quan sẽ còn kéo dài tới năm 2023.
Hiện chỉ còn hơn 7 năm để đạt được các mục tiêu ban đầu trong Thỏa thuận Paris được 196 bên thống nhất. Lượng phát thải carbon phải được giảm nhiều thông qua sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nghiên cứu thị trường tín chỉ carbon tự nguyện để bổ sung cho hoạt động giảm phát thải carbon của mình. Việc tập trung vào các tín chỉ carbon chất lượng cao sẽ là yếu tố mấu chốt. Hội đồng Liêm chính có thể hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp trong vấn đề này nhưng do sáng kiến này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, doanh nghiệp sẽ muốn đảm bảo rằng họ có đủ hiểu biết chuyên môn để tham gia được thị trường carbon tự nguyện, bằng cách tự xây dựng năng lực hoặc thông qua hợp tác với các bên.
Bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc điều hành sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp trong dài hạn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này, Việt Nam cần kết hợp nhiều giải pháp cũng như huy động nguồn lực khả thi và sáng tạo. Trong đó, công cụ định giá các-bon (bao gồm thuế các-bon và thị trường các-bon) được coi là một trong những giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả, đồng thời thúc đẩy công nghệ phát thải thấp. Theo dự thảo đề án “Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam”, đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon. |