Các giải pháp thượng nguồn như mô hình Reuse – Refill đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu lượng rác thải ngay từ ban đầu.
Lệnh cấm triệt để nhựa sử dụng một lần từ tháng 7/2022 của Ấn Độ, dù được triển khai chắp vá ở các bang khác nhau nhưng đã tạo ra một phong trào các giải pháp bao bì thay thế trong những ngành sử dụng nhiều nhựa. Trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B), chẳng hạn, ngày càng nhiều nhà hàng và quán ăn đã từ bỏ sử dụng loại ly mang đi bằng cách tặng cho khách hàng ly nước riêng mà họ có thể mang theo cho lần mua kế tiếp.
Một startup sản xuất các đồ đựng tái sử dụng là Recube, được thành lập năm 2018 tại Mumbai. Với nhãn hiệu Cupable, Recube cung cấp ly tái sử dụng, được làm từ phế phẩm cây trồng như trấu, sợi tre, cho hơn 500 cửa hàng F&B ở Ấn Độ. Khách hàng của Recube gồm cả các chuỗi nhà hàng quốc tế như Baskin Robbins, Taco Bell, Cold Stone Creamery lẫn chuỗi cửa hàng nội địa như Sweetish House Mafia. Ly Cupable cũng đã được sử dụng tại hơn 150 sự kiện.
Purav Desai, đồng sáng lập và Giám đốc Chiến lược và các sáng kiến mới tại Recube, cho biết: “Một nhà tổ chức sự kiện nói với chúng tôi rằng họ sử dụng 100.000 ly tách dùng một lần tại một lễ hội âm nhạc, nhưng với ly Cupable, họ đã giảm con số này còn 30.000 nhờ sử dụng lại cùng loại ly 3 lần (sau khi đã rửa sạch sẽ) trong suốt sự kiện”.
Recube có gắn mã QR vào mỗi chiếc ly để đảm bảo truy vết và ly được thiết kế để tái sử dụng tới 250 lần. Các dòng sản phẩm khác mà Recube cung cấp còn có Boxable, loại có thể sử dụng nhiều lần để đựng thực phẩm.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Các doanh nghiệp bền vững được xây dựng trên mô hình Reuse – Refill (tái sử dụng – tái nạp đầy) như Recube đang hưởng lợi từ lệnh cấm của Chính phủ Ấn Độ đối với nhựa dùng một lần như dĩa, ly, ống hút mang đi, nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm đang ngày càng tồi tệ tại quốc gia gần 1,4 tỉ dân.
Ô nhiễm nhựa không chỉ là nỗi đau đầu ở Ấn Độ mà còn là vấn nạn toàn cầu. Hiện có gần 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, nhưng chỉ 9% số này được tái chế. Số còn lại được đưa đến bãi chôn rác hoặc bị xử lý kém, làm gia tăng khả năng thoát ra đại dương, gây hại cho hệ sinh thái biển và tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế như ngư nghiệp, vận tải biển, du lịch.
Một trong những phương pháp chủ yếu để ngăn ngừa rò rỉ nhựa vào môi trường là tránh tạo ra loại chất thải đó ngay từ ban đầu. Các phương pháp phòng ngừa này thường được gọi là giải pháp thượng nguồn, có thể giảm được lượng bao bì nhựa trở thành rác thải. Ngoài những giải pháp thay thế như bao bì phân hủy, tái sử dụng, còn có một cách khác là khuyến khích người dân sử dụng các hệ thống Refill (tái nạp đầy). Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn. Không giống như nền kinh tế tuyến tính truyền thống, tức theo mô hình “sản xuất – sử dụng – thải ra”, nền kinh tế tuần hoàn tối đa hóa giá trị của các nguồn tài nguyên bằng cách giữ vật liệu, sản phẩm và dịch vụ trong vòng tuần hoàn lâu nhất có thể.
Recube của Ấn Độ cũng vận hành một dịch vụ Refill gọi là Refillable, phục vụ 3.500 hộ gia đình tại nhiều thành phố của Ấn Độ. Khi khách hàng đặt hàng trực tuyến, một chiếc xe tải (chạy bằng khí đốt hoặc điện) sẽ đến nhà họ trong vòng 48 giờ và họ có thể đến xe tải để đổ đầy chai. Các sản phẩm được thực hiện dưới thương hiệu Refillable bao gồm nước rửa tay, nước rửa chén, nước lau sàn, nước xả vải và nước giặt quần áo.
“Kể từ khi Cupable ra mắt vào năm 2018, chúng tôi ước tính đã tiết kiệm hơn 25 tấn nhựa sử dụng một lần. Chúng tôi cũng đã tiết kiệm xấp xỉ 2,5 tấn nhựa dùng một lần qua hệ thống Refillable”, Desai cho biết.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, hiện nằm trong Top 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Đó là cơ hội cho các startup bền vững ở quốc gia này. Izifill, chẳng hạn, đang nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng các chai nước dùng một lần qua hệ thống tái nạp đầy “không chạm” của Hãng. Theo đó, người sử dụng có thể quét mã QR tại bất kỳ trạm Refill nào của Izifill, chọn nhiệt độ và lượng nước họ muốn trên điện thoại và đổ nước đầy chai. Izifill hiện cung cấp dịch vụ Refill ở các thành phố Jakarta và Bandung.
Các startup bền vững ở những quốc gia Đông Nam Á khác cũng rất tích cực. EveGrocer – một cửa hàng tạp hóa “Zero Waste” trực tuyến của Philippines – chuyên cung cấp dịch vụ đăng ký thuê bao, cung cấp hàng hóa trong các đồ đựng có thể tái sử dụng, người dùng có thể trả lại đồ đựng này trong lần đặt hàng tiếp theo.
Trong khi đó, Delifill (trụ sở tại Bangkok, Thái Lan) đang vận hành một dịch vụ cung cấp các sản phẩm chăm sóc gia đình và chăm sóc cá nhân như dầu gội, xà phòng rửa tay… cho khách hàng bằng xe điện. Khách hàng Delifill cũng có thể đi đến bất kỳ cửa hàng Refill trong số 14 cửa hàng của Công ty ở Bangkok để nạp đầy sản phẩm của họ. Họ cũng có thể trả lại đồ đựng cho cửa hàng Delifill một khi dùng xong sản phẩm, tại đó nó sẽ được rửa sạch sẽ và chuẩn bị cho lần tái sử dụng tiếp theo.
“Ý thức được rằng việc quản lý rác thải không đúng cách có thể tạo ra nhiều vấn đề, chúng tôi đã thành lập Delifill để giảm rác thải từ nhựa sử dụng một lần. Chúng tôi muốn khuyến khích người dân dùng đồ đựng có thể tái sử dụng”, Kunanon Kongsomwach, đồng sáng lập Delifill, chia sẻ.
Cần sự hỗ trợ từ nhiều bên
Các mô hình bền vững đang dẫn dắt xu hướng tuần hoàn với hệ thống Reuse – Refill và các hệ thống hiện đại khác. Tuy nhiên, nỗ lực hiện nay vẫn chưa đủ khi lượng rác thải nhựa vẫn tăng lên qua từng năm. Giới chuyên gia cho rằng còn nhiều rào cản từ chi phí logistics đắt đỏ, sự tham gia còn hạn chế của các doanh nghiệp cho đến thiếu hạ tầng thu gom chính thức tại khu vực chợ và nông thôn, đặc biệt việc tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng và mức độ tham gia của người dân vẫn còn thấp. Vấn đề này đặc biệt nan giải tại các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo ở châu Á, châu Phi, nơi tại nhiều khu vực, người dân không tiếp cận được nước sạch, buộc họ không thể không tiêu thụ loại chai nước dùng một lần. Thêm vào đó, thực trạng quản lý rác thải kém của nhiều địa phương ở những quốc gia này càng khiến vấn đề xử lý rác thải nhựa trở nên khó khăn. Do đó, bên cạnh việc đưa nước sạch trở nên dễ tiếp cận với người dân, cần khuyến khích họ sử dụng chai nhựa tái sử dụng được đổ đầy tại các trạm Refill.
“Chúng ta không thể phát triển một nền kinh tế tuần hoàn mà không có sự tham gia của người tiêu dùng”, Anne Johnson, Phó Chủ tịch Resource Recycling Systems (RRS), nhận định. Bà cho biết hiện tại có một vài sáng kiến ở châu Á giúp thay đổi hành vi thường xuyên vứt rác của người dân. “Để đẩy nhanh những thay đổi cần thiết, cần các chính sách như thuế carbon hoặc những chiến lược khác nhằm khuyến khích quá trình khử carbon và các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn”, bà nói.
Một ví dụ là các chính phủ nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn và giới thiệu các chính sách như EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất). Bà Johnson thuộc RRS cũng đã giới thiệu một loạt webinar miễn phí về cách chuyển đổi chuỗi giá trị nhựa. Được gọi là Circularity Concepts, chuỗi series này được phát triển bởi RRS và The Incubation Network – cái bắt tay giữa The Circulate Initiative và SecondMuse chuyên kết nối những người chơi chính trong ngành như doanh nhân khởi nghiệp, các nhãn hàng, nhà đầu tư và nhà làm chính sách với nhau và cung cấp các chương trình để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Tại Nam Á và Đông Nam Á, các chương trình khác nhau đã xuất hiện để hỗ trợ phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Một trong số đó là SUP Challenge, được tung ra vào tháng 1/2022 để giảm nhựa sử dụng một lần trong ngành F&B. Chương trình kéo dài suốt 1 năm này cung cấp 500.000 USD vốn tài trợ cho các startup có những cải tiến hứa hẹn, giúp họ phát triển các sáng kiến thay thế nhựa sử dụng một lần, trong đó có mô hình Reuse – Refill và các sáng kiến thay thế vật liệu nhựa.
Hiện tại, có 76 startup tham gia chương trình SUP Challenge, trong đó có những công ty đến từ các nước Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Một công ty tham gia SUP Challenge là Koinpack từ Indonesia. Đơn vị này bắt tay với các cửa hàng tiện lợi địa phương, gọi là warungs, tại Jakarta để cung cấp hệ thống bao bì có thể hoàn trả lại và có thể tái sử dụng, chuyên phân phối sản phẩm gia đình và chăm sóc cá nhân. Mục đích là giảm việc sử dụng loại gói nhựa nhỏ sử dụng một lần, vốn rất phổ biến ở Indonesia và là nguyên nhân lớn gây ra ô nhiễm nhựa.
Chính phủ nhiều quốc gia khác cũng ngày càng quan tâm đến xu hướng xanh. Tại Mỹ Latinh, Chile gần đây đã thông qua quy định mà theo đó khuyến khích và đẩy mạnh mô hình tái nạp đầy, đồng thời bắt buộc bán loại chai có thể trả lại. Một số quốc gia châu Phi cũng đã cấm nhựa sử dụng một lần, cổ xúy phong trào tái sử dụng và các giải pháp tái nạp đầy sáng tạo như Kenya, Rwanda…
Các quốc gia châu Á – Thái bình Dương cũng đã mở đường cho một tương lai tái sử dụng. Tại Philippines, phong trào Zero Waste đang trỗi dậy và rất nhiều cửa hàng gọi là Wala-Usik đã chuyển đổi các cửa hàng cộng đồng sari-sari, nơi loại gói nhỏ dùng một lần rất phổ biến trong nền văn hóa tingi của họ. Wala-Usik có nghĩa là “không có gì được lãng phí” trong ngôn ngữ Bisaya.
Đối mặt với nguy cơ rác thải nhựa, những năm gần đây Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa. Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP, quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến quản lý chất thải nhựa. Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Theo đó, sẽ cấm sản xuất và nhập khẩu túi nylon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031, cùng nhiều biện pháp khác.
Hưởng ứng xu hướng kinh tế tuần hoàn, mô hình Reuse-Refill lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2018 với sự ra đời của Lại Đây Refill Station, cho phép người tiêu dùng được chiết các sản phẩm cần cho sinh hoạt cá nhân hằng ngày vào chai lọ cũ để tiết kiệm chi phí và giảm rác nhựa. Lại Đây Refill Station cũng cung cấp các dịch vụ khác được xây dựng theo mô hình 5R (Reduce, Reuse, Recycle, Repair, Refuse), như dịch vụ sửa chữa (Repair) những món đồ lâu năm để tăng thêm vòng đời hoặc làm mới, hay giảm (Reduce) lượng vật phẩm cung cấp không cần thiết và lượng chất thải tạo ra, tái sử dụng (Reuse) những gì mà người tiêu dùng không cần nữa… Các mô hình bền vững khác cũng lần lượt xuất hiện tại Việt Nam như Glassia, Refillables Hoi An…, một tín hiệu đáng mừng cho một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.
Việt Phong (Tổng hợp)