Rừng không chỉ là “lá phổi xanh” mà còn tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình, người lao động ở Đắk Nông có thêm điều kiện để giữ rừng, cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống.
Nhà của ông K’Tiêu, ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong sống khá gần với Vườn Quốc gia Tà Đùng. Trước đây, cuộc sống của gia đình ông K’Tiêu còn phụ thuộc vào rừng và là hộ nghèo ở địa phương.
Từ năm 2011, gia đình ông K’Tiêu được Vườn Quốc gia Tà Đùng chọn để giao khoán bảo vệ 30ha rừng. Hơn 10 năm nhận khoán bảo vệ rừng, năm nào gia đình ông K’Tiêu cũng nhận được khoảng 30 triệu đồng.
Với số tiền này, gia đình ông K’Tiêu đã mua phân bón, đầu tư chăm sóc, phát triển các loại cây trồng hiệu quả, cho năng suất cao hơn. Hiện nay, gia đình ông K’Tiêu đã vươn lên thoát nghèo và tích cực cùng chủ rừng tham gia quản lý bảo vệ rừng hiệu quả.
Không riêng gì hộ gia đình ông K’Tiêu, hơn 10 năm nay, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao đời sống, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, trong năm 2022, đơn vị đã thực hiện việc chi trả cho 186 chủ rừng trên diện tích hơn 141.000ha, tương ứng với tiền hơn 62,6 tỉ đồng.
Trong đó, chủ rừng là hộ gia đình cá nhân, cộng đồng là 111 trường hợp tương ứng hơn 1.3 tỉ đồng. Chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ là 5 đơn vị, tương ứng số tiền hơn 14,2 tỉ đồng.
Chủ rừng là Ban quản lý rừng đặc dụng, Vườn quốc gia là 3 đơn vị, tương ứng số tiền hơn 18,8 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 32 chủ rừng là UBND xã, tương ứng với số tiền hơn 111 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có 33 chủ rừng là tổ chức khác được chi trả với số tiền tương ứng số tiền hơn 7,6 tỉ đồng.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang phát huy hiệu quả, đạt được những thành tựu tích cực.
Cụ thể, từ nguồn kinh phí này đã góp phần bảo vệ và phát triển bền vững vốn rừng hiện có, cải thiện đời sống những người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa.
Cũng liên quan đến vấn đề này, các đơn vị chủ rừng khẳng định, trong điều kiện nguồn kinh phí gặp khó khăn do chủ trương đóng cửa rừng thì nguồn dịch vụ chi trả môi trường rừng là nguồn tài chính quan trọng.
Đây được xem là “bầu sữa” để các đơn vị chủ rừng tiếp tục duy trì hoạt động trong quản lý, bảo vệ và phát triển độ che phủ rừng được tốt hơn.