Quan điểm đó được PGS.TS. NGƯT Lâm Bá Nam – Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh khi ông trò chuyện với Phóng viên Báo TN&MT về ý nghĩa của rừng trong đời sống và tâm thức của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi rẻo cao…
PV: Thưa ông, rừng là không gian sống, là nơi hình thành và tạo tác nên các cộng đồng người dân tộc thiểu số suốt bao đời nay. Văn hóa rừng từ đó được hình thành, lưu giữ. Trải qua biến thiên của lịch sử, văn hóa ấy hòa quện cùng tình yêu đầy bản năng với thiên nhiên, cây cỏ, đã tạo nên sức mạnh để đồng bào dân tộc thiểu số giữ rừng, bảo vệ rừng. Nhìn ở góc độ sâu xa hơn, văn hóa rừng cần được hiểu như thế nào?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Việt Nam là quốc gia đa tộc người. 54 tộc người ở Việt Nam, trong đó có 53 tộc người thiểu số, sinh sống chủ yếu ở vùng rừng núi. Đây là không gian sinh tồn rất quan trọng gắn bó với các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Tôi có thể dẫn câu một học giả người Pháp khi nói về các tộc người ở Tây Nguyên Việt Nam: “Đối với các tộc người ở cao nguyên, người ta sinh ra với rừng, lớn lên với rừng và chết đi trở lại với rừng. Rừng là văn hóa”.
Có thể nói, khi sống ở rừng, thích nghi với rừng, các tộc người tạo nên thế ứng xử gắn liền với quá trình gìn giữ, bảo tồn môi trường sống của bản thân họ. Các tộc người thiểu số ở Việt Nam rất am hiểu môi trường sống của mình. Họ nắm được quy luật vận động của môi trường xung quanh mình để tạo nên nông lịch phù hợp trong môi trường cảnh quan, phù hợp trong nhịp điệu sản xuất của môi trường, từ đó, nhiều tộc người xuất hiện hình thức tạm gọi là “luật tục”. Người ta quy định mùa nào thì được hái măng, mùa nào được khai thác gỗ… người ta có những kinh nghiệm về thảm thực vật xung quanh họ. Người ta quy định vào quãng thời gian nhất định, khi cây trong rừng đang sinh sôi nảy nở, đấy là lúc cấm rừng, là lúc không được khai thác các nguồn lợi tự nhiên trong rừng để cây cối, muôn loài có thể phát triển; và đến lúc khi thời tiết khô hanh, cây bắt đầu cứng cáp, các loài tre, nứa lúc bấy giờ “khô nước” thì người ta mới khai thác nó để sử dụng trong đời sống hàng ngày như làm nhà, làm các nghề thủ công… Đây là tri thức mà chỉ có tộc người thiểu số ở khu vực đó họ nắm bắt được.
PV: Như vậy, từ tri thức trong đời sống lao động, sản xuất đã hình thành nên văn hóa rừng. Văn hóa đó đã phát huy ra sao trong đời sống của đồng bào DTTS, thưa ông?
PGS.TS. Lâm Bá Nam: Có thể thấy các tộc người thiểu số ở Việt Nam sinh ra trong môi trường rừng núi là chủ yếu, từ Bắc tới Nam, từ Việt Bắc, Đông Bắc cho đến vùng Trường Sơn, Tây Nguyên. Họ tác động vào môi trường đó để tạo nên kế sinh nhai và hình thành nên dạng thức mà các nhà khoa học hay nói đó là văn hóa của cư dân nương rẫy, hay văn hóa nương rẫy, hay rộng ra nữa là văn hóa rẻo cao của khối cư dân rẻo cao.
Đối với các tộc người thiểu số ở miền núi phía Bắc, môi trường tự nhiên có những đặc thù riêng. Đó là nơi có những đỉnh núi cao, những dòng sông chảy xiết, khí hậu nhiệt đới gió mùa và có tính Á nhiệt đới chi phối đời sống. Vì thế, các tộc người DTTS tiến hành các hoạt động sản xuất nông nghiệp có tính thích ứng riêng. Còn ở vùng Trường Sơn, Tây Nguyên, do đặc trưng về mặt địa hình, nơi cư dân sống thưa thớt và từng cộng đồng sở hữu một không gian rộng lớn, đấy là không gian buôn làng, và không gian buôn làng ấy chính là rừng. Không gian buôn làng ấy trở thành máu thịt trong đời sống của họ, cho nên ở Tây Nguyên truyền thống, một số tộc người có tập quán sở hữu mang tính tập thể. Cả không gian đó thuộc về buôn làng, buôn làng có trách nhiệm gìn giữ nó, bảo vệ nó, nuôi dưỡng nó để phục vụ cho nhu cầu phát triển của cộng đồng. Môi trường sống của tộc người đi vào trong tâm thức dân gian, đi vào trong luật tục dân gian và đi vào thế ứng xử của con người với môi trường.
Các tín ngưỡng tâm linh xuất hiện ở hầu khắp các dân tộc sinh sống ở vùng rừng núi. Nhiều tộc người coi không gian ấy là thiêng, là không gian nuôi dưỡng tộc người. Người ta quan niệm cây cối có hồn thiêng. Đây là tư duy vạn vật hữu linh. Vì thế, ngoài đưa ra các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, người ta còn thực hiện các nghi lễ như cúng rừng, cúng bản, vì người ta cho rằng từng cánh rừng, từng ngọn núi, con sông đều có yếu tố mang tính thần linh. Và tùy từng tộc người họ tiến hành các nghi lễ theo từng chu kỳ khác nhau trong năm, có khi là cuối năm hoặc đầu năm. Như nghi lễ mở cửa rừng, người ta quy định vào thời điểm nào được vào rừng để khai thác, điều này liên quan đến chu trình sinh trưởng của cây cối và vật nuôi trong rừng. Nghi thức này là của cộng đồng, không phải nghi thức mang tính cá nhân và mang tính tâm linh tôn giáo. Có một thời gian dài ta xem nhẹ vai trò tích cực của các yếu tố tâm linh tôn giáo mà ta quên rằng nó đi vào tâm thức dân gian, nó đi vào truyền thống tộc người, và chính điều đó mới bảo vệ được môi trường. Nếu nhìn ở góc độ mê tín là hoàn toàn không đúng, mà phải nhìn từ góc độ văn hóa. Văn hóa ăn sâu vào máu thịt của từng tộc người, từng cộng đồng.
PV: Vậy theo ông, văn hóa đó chịu tác động biến thiên như thế nào trong đời sống hiện đại, và liệu có còn được duy trì, phát huy?
PGS.TS. Lâm Bá Nam: Trong mấy thập kỷ qua, môi trường ở nhiều vùng rừng núi có những biến động một cách khôn lường. Sự biến đổi này liên quan đến nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng các công trình như nhà máy thủy điện trên khắp cả nước làm xáo trộn môi trường sống của nhiều cộng đồng cư dân. Ví dụ, các cư dân đang ở vùng núi thấp, thung lũng phải chuyển lên vùng đồi núi cao, họ mất không gian sinh tồn ban đầu – không gian mà họ có nhiều kinh nghiệm, có nhiều tri thức liên quan.
Tôi nhớ cách đây độ 30 năm, tôi đi vùng Hòa Bình, ngược sông Bôi, tôi ngủ lại ở một gia đình ven sông Bôi. Tôi có hỏi cụ già là hàng năm khu vực này có bị lũ lụt không? Cụ nói: Cũng có năm bị lũ. Tôi lại hỏi: Theo bác năm nay nước có lên cao không? Cụ già trả lời: Năm nay không có nước lớn. Tôi hỏi: Dạ thưa bác vì sao thế? Ông cụ nói: “Tôi quan sát tôi biết mà”. Cụ dẫn tôi ra bờ sông, cầm theo chiếc đèn chai, soi vào tổ tò vò rồi giải thích: “Mọi năm tổ tò vò nằm ở trên cao là nước lớn, năm nay nó làm tổ dưới thấp là nước không lớn”. Có lẽ, sẽ đến lúc, cần phải khai thác, nghiên cứu trở lại toàn bộ hệ tri thức của người DTTS đối với môi trường sống của họ – kho tàng mà chúng ta đang lãng quên, để đưa vào phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội ngày nay.
PV: Như vậy sức sống của văn hóa đồng bào DTTS cần được lưu giữ, bảo tồn và phát triển như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
PGS.TS. Lâm Bá Nam: Để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa tộc người liên quan tới môi trường, có mấy vấn đề đặt ra: Trước hết là vấn đề ổn định không gian sinh tồn. Đừng bao giờ cho rằng đồng bào DTTS sống trong các ngôi nhà truyền thống ấy là lạc hậu. Người H’Mông, Hà Nhì, người Lô Lô… trên các vùng núi cao, họ ở trong các ngôi nhà thấp, kín, điều này phù hợp với khí hậu của khu vực đó. Chúng ta đã từng thấy những ngôi nhà trình tường dày đến 40 – 50cm, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm để thích ứng với môi trường và cả nghìn đời nay, họ vẫn thích ứng như vậy. Nó trở thành một dạng thức văn hóa của đời sống tộc người, từ nhà ở đến trang phục, từ lễ hội đến các hoạt động sinh kế.
Muốn bảo vệ được môi trường thì sự tác động đến môi trường phải là sự tác động có nhận thức, có tri thức, không thể tác động một cách tự nhiên, vô thức được. Bảo vệ môi trường phải xuất phát từ tư duy đối với môi trường.
Thứ hai, ứng xử với môi trường là ứng xử mang tính văn hóa và nó là một bộ phận cấu thành văn hóa trong đời sống của các tộc người. Ăngghen từng nói: “Con người là sản phẩm của tự nhiên”. Con người ở trong lòng tự nhiên và phải tuân theo các quy luật của tự nhiên. Vì thế, môi trường sống đã đi vào trong văn hóa dân gian, luật tục, tín ngưỡng, tôn giáo và các dạng thức folklore khác. Chúng ta cần biết tôn trọng nó, nhìn nhận nó với tư cách là di sản, nhưng di sản ấy không đóng băng mà luôn luôn vận động và phát triển. Cần phải biết khai thác nó và đưa nó vào trong phát triển của đời sống đương đại. Đã đến lúc, chúng ta cần có nghiên cứu đầy đủ hơn, vì tri thức về rừng không chỉ thuần túy là tri thức về cây cỏ, mà còn liên quan đến bảo tồn và khai thác các động thực vật, nguồn nước, khoáng sản…
Và đã đến lúc, cần có những chính sách cụ thể hơn nữa, tạo ra sự gắn kết Nhà nước với cộng đồng, trong đó vai trò của cộng đồng, người dân với tư cách là chủ thể văn hóa cần được chú trọng một cách đúng mức và cần được khai thác hiệu quả hơn trong đời sống kinh tế – xã hội hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!