Chưa thể bảo vệ thủ đô Đan Mạch khỏi những cơn bão song hậu quả ngầm mà đảo nhân tạo Lynetteholm gây ra cho môi trường đang được thể hiện rõ.
Dự án nhân tạo đầy tham vọng của Đan Mạch
Tháng 1.2022, một nhóm nhà phát triển đã bắt đầu thực hiện dự án kéo dài hơn 50 năm nhằm bảo vệ thủ đô Copenhagen khỏi mực nước biển dâng cao. Đảo nhân tạo Lynetteholm lớn ngang 40 sân bóng, nhưng chưa kịp thực hiện mục tiêu chính, dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Đan Mạch đã vấp phải làn sóng tranh cãi lớn.
Hans Vasehus, giám đốc nhà phát triển bất động sản By & Havn – đơn vị triển khai dự án – nhấn mạnh, thiết kế giống như áo choàng của Lynetteholm đủ mạnh mẽ để bảo vệ thành phố cảng khỏi những cơn bão và trận lũ nguy hiểm. “Khí hậu đang ngày càng tệ hơn. Chúng ta buộc phải thay đổi nếu có thể”, CEO người Đan Mạch bày tỏ quan điểm.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự đoán, năm 2050, mực nước biển toàn cầu sẽ dâng thêm 23-30 cm. Nghiên cứu nhận định Copenhagen là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi một số địa phương của thành phố cảng chỉ còn cách mặt nước vài chục cm.
Mặc dù số liệu đo đạc chưa hoàn thiện nhưng theo các nhà phát triển, Lynetteholm là bán đảo nhân tạo hình cánh dơi với một con đập nhỏ che chắn khu vực phía tây thành phố. Kiến trúc sư phụ trách Lynetteholm cho biết những bãi biển nhân tạo của hòn đảo có thể hấp thụ sóng biển như những bờ biển tự nhiên, qua đó làm yếu đi sức mạnh của sóng.
Đường bờ biển của dự án được thiết kế để thúc đẩy đa dạng sinh học trong vòng 30 năm tới. Bên cạnh đó, 35.000 ngôi nhà mới cũng được dự kiến xây dựng trên hòn đảo nhân tạo. Với những chi tiết trên bản kế hoạch, nhà phát triển cho rằng Lynetteholm là thiết kế hoàn hảo của Đan Mạch.
Làn sóng phản đối liên tục dâng cao
Tuy được các nhà phát triển đặt trọn tâm huyết nhưng dự án môi trường đầy tốn kém vẫn vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ người dân. Họ lo lắng việc xây dựng bán đảo nhân tạo Lynetteholm sẽ làm ô nhiễm vùng nước xung quanh và xáo trộn độ mặn cân bằng mỏng manh của biển Baltic.
Thậm chí, khi kế hoạch xây dựng Lynetteholm được quốc hội thông qua, 16.000 người đã mạnh mẽ biểu tình “Dừng Lynetteholm!”. Tổ chức khí hậu Klimabevægelsen cũng gửi đơn lên Nghị viện Châu Âu, tố cáo chính phủ Đan Mạch đã vi phạm luật của EU do không thực hiện đánh giá đầy đủ về tác động môi trường của Lynetteholm.
Ngoài ra, ngân sách 9,9 tỉ USD cho một hòn đảo nhân tạo cũng khiến công chúng phản đối. Nhà phát triển By & Havn thừa nhận khoản chi có thể tăng lên gấp 10 lần bởi việc đội vốn đang diễn ra ở tất cả cả hạng mục với biên độ hiện tại.
50 năm cho việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo cũng là yếu tố khiến Lynetteholm không được chào đón. “Chúng tôi sống ở Copenhagen vì đây là một thành phố tuyệt vời nhưng giờ đây và sắp tới, nó sẽ trở thành một đại công trường. Copenhagen có lẽ phải chịu số phận ồn ào và bẩn thỉu trong suốt quãng đời còn lại của tôi”, một người phản đối bức xúc.
“Tôi vẫn nghĩ rằng quốc hội và chính quyền thành phố nói chung đang đứng sau ủng hộ sự phát triển của Lynetteholm. Có một bộ phận quần chúng tại ở Đan Mạch phản đối hòn đảo nhân tạo, rất nhiều cá nhân đang chống lại chúng tôi với ý kiến riêng của họ và tôi hoàn toàn có thể hiểu điều đó” – giám đốc phát triển bất động sản By & Havn chia sẻ.