Mùi thơm nhân tạo ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, mùi thơm tràn lan trong nhà đồng nghĩa có hỗn hợp hóa chất trong không khí trong nhà, kéo theo nhiều vấn đề tiềm ẩn.

Các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà có thể từ các hoạt động như nấu ăn, sưởi ấm, các sản phẩm tẩy rửa có mùi thơm và cả những sản phẩm để khử mùi không gian sống hoặc làm việc như nến, máy khuếch tán, nước xịt phòng… (Nguồn: Stephenkdenny)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, chất lượng không khí trong nhà hiện là mối quan tâm của rất nhiều người.

Tại các quốc gia có thu nhập cao, người dân trung bình dành 85-90% thời gian trong nhà.

Một người trung bình hít tới 20.000 lít không khí mỗi ngày và việc tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm trong không khí tù đọng trong nhà có thể gây tác hại đối với sức khỏe, gây ra các triệu chứng như kích ứng mắt, các vấn đề về hô hấp, thậm chí đau đầu.

Các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà có thể từ các hoạt động như nấu ăn, sưởi ấm, các sản phẩm tẩy rửa có mùi thơm và cả những sản phẩm để khử mùi không gian sống hoặc làm việc như nến, máy khuếch tán, nước xịt phòng…

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) mới đây cho biết mức độ ô nhiễm không khí trong nhà thường cao hơn gấp 3 lần so với ngoài trời.

Mùi thơm tràn lan trong nhà đồng nghĩa có hỗn hợp hóa chất trong không khí trong nhà, kéo theo nhiều vấn đề tiềm ẩn.

Ví dụ, máy làm mát không khí thải ra hơn 100 loại hóa chất khác nhau, trong đó có các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).

Các VOC này sẽ phản ứng với ozone và các chất ôxy hóa khác trong nhà để tạo ra một loạt sản phẩm oxy hóa là những phân tử có khả năng gây độc hại.

Bên cạnh đó, hương thơm và ozone cũng có thể tạo ra các chất gây ô nhiễm như formaldehyde (CH20), acetaldehyde (CH3CH0) được các cơ quan như EPA phân loại là độc hại hoặc nguy hiểm.

Loại chất và lượng chất gây ô nhiễm do hương thơm trong nhà tạo ra sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như loại sản phẩm (cháy hay ở dạng hơi), thành phần, không gian trong nhà…

Ngoài ra, các dung môi không mùi là mối quan tâm đặc biệt vì người tiêu dùng khó biết tác động và khó nhận thức được nồng độ cao hơn có trong không khí.

Đáng chú ý, các nhà sản xuất nước hoa có thể sử dụng các từ “hương thơm,” “nước hoa,” “tinh dầu” trong danh mục thành phần mà không ghi rõ loại hóa chất nào được sử dụng để tạo thành hương liệu. Thông thường, có thể có hàng chục hoặc hàng trăm hóa chất khác nhau không được tiết lộ.

Việc tiếp xúc hàng ngày với các sản phẩm có mùi thơm, ngay cả ở mức độ thấp, đều sẽ tác động xấu đến sức khỏe.

Trong một nghiên cứu tại các nước Mỹ, Australia, Thụy Điển và Anh, 32,2% người dân được cho là nhạy cảm với hương thơm. Đối với những người nhạy cảm, nước hoa là một yếu tố có nguy cơ gây bệnh hen suyễn và nhức đầu.

Trong khi đó, việc đốt đậu nành, sáp ong hoặc các loại nến không chứa parafin khác ở mức vừa phải cùng với hệ thống thông gió thích hợp và/hoặc lọc không khí trong nhà, nhìn chung vẫn được coi là an toàn.

Do đó, việc loại bỏ chất làm mát không khí, mùi thơm của nước hoa và nến thơm sẽ có thể cải thiện chất lượng không khí trong nhà một cách tổng thể, qua đó tạo không gian sống an toàn hơn.

Một số biện pháp khác có thể được cân nhắc để làm cho môi trường trong nhà sạch hơn và trong lành hơn là thường xuyên thông gió cho không gian, sử dụng máy hút bụi có bộ lọc HEPA, sử dụng máy lọc không khí, trồng nhiều cây xanh và vệ sinh nhà cửa thường xuyên.