Theo dấu vết voọc quý hiếm ngay giữa Hà Nội

Tháng 11/2022, Lò A Ký, chàng kỹ sư bảo tồn người Mông thuộc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) bất ngờ bắt gặp và ghi lại được hình ảnh đàn voọc quần đùi trắng ngay tại khu vực rừng đặc dụng thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên sau hàng trăm năm, loài linh trưởng đặc hữu này được ghi nhận tại Hà Nội với những bằng chứng vô cùng xác thực.

 

Từ những dấu vết mờ…

Từ những phát hiện quan trọng về quần thể voọc quần đùi trắng trong tự nhiên tại Kim Bảng, Hà Nam, nhóm chuyên gia của CCD càng có thêm động lực và niềm tin để đi tìm thêm tại các khu vực sinh cảnh có điều kiện tự nhiên tương tự.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc CCD kể lại: Ngay từ những năm 2010, CCD đã có những hoạt động nghiên cứu độc lập về voọc quần đùi trắng tại hệ thống sống núi đá vôi chạy dọc từ Sơn La xuống tận Pù Luông (Thanh Hóa), vắt qua các khu vực Hương Sơn (Hà Nội), Kim Bảng (Hà Nam), Vân Long (Ninh Bình). Bởi, đây là môi trường sống lý tưởng cho loại linh trưởng đặc hữu này.

Những kết quả phát hiện voọc quần đùi trắng tại Vân Long (Ninh Bình) và Kim Bảng (Hà Nam) là động lực để các cán bộ bảo tồn quyết tâm đi tìm voọc tại Hà Nội. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)

“Ngay từ thời điểm đó, qua phỏng vấn cư dân bản địa, rất nhiều người tại hầu khắp các điểm khảo sát đều khẳng định đã từng nhìn thấy loài khỉ có phần lông ở mông và má màu trắng”, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà cho hay.

Mặc dù các chuyên gia chưa từng tận mắt bắt gặp cá thể nào trong thực tế tại Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), nhưng những câu chuyện kể của cánh thợ rừng và người dân bản địa đã manh nha gợi nên những dấu vết mơ hồ cho một giấc mơ tìm thấy voọc ngay tại Thủ đô.

“Xét về sinh cảnh sống, điều kiện tại Hương Sơn cũng giống hệt như Vân Long, Kim Bảng hay Rốn Rồng vốn là những vách núi đá vôi dựng đứng, hiểm trở, cách biệt khỏi hoạt động thường xuyên của con người. Chính vì vậy, cả nhóm chúng tôi vẫn tin rằng: Nếu đã thấy voọc quần đùi trắng ở các địa phương khác thì không thể loại trừ Hà Nội”, ông Hà tiếp lời.

Tới giữa năm 2018, những kết quả thực địa đầu tiên tại Kim Bảng (Hà Nam) được công bố, khẳng định tồn tại quần thể voọc quần đùi trắng lớn thứ 2 Việt Nam với khoảng 70 cá thể. Tiếp đó, cuối năm 2021, đầu năm 2022, chuyến khảo sát tại Rốn Rồng (Lạc Thủy, Hòa Bình) tiếp tục ghi nhận thêm 4 cá thể trưởng thành đang lưu trú. Từ đây, những mảnh ghép rời rạc bắt đầu được liên kết lại sau hàng chục năm khiến ý định đi tìm voọc cho Thủ đô lại một lần nữa được nhen nhóm lên đối với các chuyên gia của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển.

Tính theo đường chim nay, Rừng đặc dụng Hương Sơn nằm cùng trên một sống núi đá vôi với Kim Bảng và Vân Long với cùng một điều kiện sinh cảnh. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)

“Tính theo đường chim bay, từ Rốn Rồng đến các dãy núi đá vôi của Mỹ Đức chỉ có khoảng cách chưa đầy 10km đường chim bay. Tất cả điều kiện tự nhiên cũng đồng nhất. Mặc dù thông tin mù mịt, nhưng đến lúc ấy, chúng tôi tin tưởng Hà Nội chắc chắn sẽ còn voọc”, ông Hà nhớ lại.

Cũng chính vào thời điểm đó, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển nhận được “đề bài” từ Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội để thực hiện các hoạt động điều tra về các loài linh trưởng tại rừng đặc dụng Hương Sơn. Những người “ăn rừng, ngủ núi theo dấu chân voọc” của CCD một lần nữa lại xách ba-lô lên đường.

… đến cuộc gặp gỡ tình cờ trên sống núi đá vôi

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, hoạt động điều tra do CCD phối hợp thực hiện nằm trong Đề án được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hỗ trợ thông qua Chi cục Kiểm lâm làm cơ quan đầu mối. Sau khi nhận được “đề bài”, kết hợp với nguồn dữ liệu khảo sát từ hơn 10 năm trước, một nhóm “đặc nhiệm” đã được thành lập, di chuyển thẳng về Mỹ Đức.

Bùi Thanh Tùng, cán bộ của CCD nhớ lại: Các hoạt động khảo sát, thực địa đầu tiên được tiến hành từ giữa năm 2022. Tuy nhiên, khác với các chuyến đi trước đó, thử thách lần này lớn hơn rất nhiều khi thông tin trong cộng đồng vẫn chỉ dừng lại ở mức… đồn đoán.

“Chúng tôi phỏng vấn rất nhiều người dân, kể cả các cựu thợ săn tại địa phương, nhưng họ cũng chỉ mơ hồ cho rằng … vẫn còn có voọc trong núi. Thế nhưng, chưa có bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về mặt khoa học như hình ảnh hay video được ghi nhận”, Tùng kể.

Không nản chí, những chuyến đi dài ngày nối đuôi nhau. Tùng không thể quên những đêm chăng màn giữa rừng trên đỉnh núi, xung quanh gió hun hút thổi lạnh căm căm. Muỗi rừng như châu chấu vo ve, chỉ chực chờ người ra để… bâu vào hút máu. Suốt trong vòng 5 tháng tiếp theo, mọi nỗ lực khảo sát của các cán bộ CCD đều rơi vào ngõ cụt. Bóng dáng loài voọc đặc hữu cứ hun hút, xa xôi như một câu chuyện vui mà cánh thợ rừng kể lại lúc trà dư, tửu hậu. Ngay cả những người địa phương dẫn đường cũng bắt đầu mất niềm tin vào hành trình họ đang thực hiện.

Đúng giai đoạn bế tắc nhất thì tới tháng 11/2022, kỳ tích lại xảy ra. Trong một chuyến khảo sát thực vật tại rừng đặc dụng Hương Sơn, các cán bộ Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển bất ngờ… hạnh ngộ voọc.

Điều tra voọc quần đùi trắng bằng phương pháp quan sát. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)

Lò A Ký, chàng trai người Mông quê tận Mường Nhé, Điện Biên là người may mắn chứng kiến và ghi lại những thước phim quý giá đầu tiên trong dịp này. Ký kể lại: Sáng hôm đó, theo kế hoạch, Ký cùng đồng nghiệp vào rừng để điều tra về các loài thực vật tại địa phương. Tới khoảng 2 giờ chiều, cả đoàn ngồi nghỉ lại giữa một trảng rừng. Ngay phía đối diện là một vách núi đá vôi dựng đứng, hiểm trở.

Bất ngờ, Ký nghe thấy những tiếng kêu từ phía xa xa. Ngước mắt nhìn lên, cậu ngỡ ngàng khi thấy 3 cá thể voọc quần đùi trắng trưởng thành đang từ từ chui ra từ hang đá, nhảy thẳng vào một tàng cây rậm rịt để kiếm ăn. Thoáng thấy bóng người, đàn voọc lại tán loạn tản ra tứ phía.

Lò A Ký, người đầu tiên chụp được ảnh voọc quần đùi trắng trong tự nhiên tại Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Lúc đó, tất cả chúng tôi đều vô cùng bất ngờ. Do không chuẩn bị thiết bị quay tầm xa, nên tôi chỉ kịp ghi lại được một đoạn video ngắn chưa rõ ràng”, Ký nhớ lại.

Ngay lập tức, thông tin được đưa về Trung tâm trong niềm háo hức và mong chờ của tất cả. 3 ngày sau, Lò A Ký mang theo máy móc chuyên dùng rồi lại phóng xe máy về Hương Sơn, cùng người dẫn đường lên điểm đã được đánh dấu. Do bị động từ trước, voọc quần đùi trắng lại không ra khỏi hang nữa.

“Phải 1 tuần sau, chúng tôi mới tiếp tục quay lại. Lúc này đúng đợt đại hàn tháng 12, nhưng với nỗ lực ghi lại hình ảnh xác thực, nhóm tiếp tục cắm trại trên đỉnh để đợi voọc ra khỏi hang bằng mọi giá”, Lò A Ký tiếp tục.

Mắc màn, canh voọc giữa rừng đặc dụng Mỹ Đức, Hà Nội tháng 12/2022. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)

Không phụ lòng người, sáng hôm sau, từ trong hang, 5 cá thể voọc quần đùi trắng trưởng thành ló ra, chuyền cành. Chỉ trong vòng 1 phút ngắn ngủi, Ký liên tiếp ấn máy và lần đầu tiên ghi lại được những hình ảnh xác thực của loài linh trưởng đặc hữu ấy tại Thủ đô.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà hồ hởi: Thông tin về việc tìm thấy voọc quần đùi trắng tại khu vực rừng đặc dụng Mỹ Đức (Hà Nội) có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong số 5 cá thể này, có một cá thể bán trưởng thành, chứng tỏ đàn voọc đang trong xu hướng phát triển tốt và có khả năng phục hồi.

Hình ảnh đầu tiên được Lò A Ký chụp lại về sự xuất hiện của voọc quần đùi trắng tại rừng đặc dụng Mỹ Đức. Bức ảnh lần đầu tiên xác thực về sự tồn tại của loài linh trưởng đặc biệt tại Hà Nội. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)

“Những bằng chứng xác thực bằng hình ảnh có giá trị rất lớn để tạo điều kiện cho việc mở rộng bảo tồn về sau. Đặc biệt, đây là tín hiệu đáng mừng khi Mỹ Đức chính là khu sinh cảnh thứ 3 phát hiện có voọc quần đùi trắng sinh trưởng sau Vân Long (Ninh Bình) và Kim Bảng (Hà Nam)”, ông Hà nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội cho biết: Trước đó, qua việc tăng cường công tác quản lý, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã phát hiện một số loài linh trưởng bị nuôi nhốt tại Mỹ Đức. Do đó, Chi cục đã chủ động xây dựng đề án, tiến hành phối hợp khảo sát tại rừng đặc dụng tại huyện này.

Khu vực sinh cảnh sống của voọc quần đùi trắng tại Hà Nội. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)

“Qua điều tra, chúng tôi phát hiện 1 quần thể bao gồm 5 cá thể voọc quần đùi trắng. Theo tổng kết của các nhà khoa học, môi trường nào có các loài linh trưởng, đặc biệt là voọc thì môi trường đó còn tương đối tốt và an toàn. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, qua đó thể hiện công tác bảo vệ rừng tại Mỹ Đức rất tốt”, ông Tuyên cho biết thêm.

Ông Tuyên khẳng định: Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã giao cho địa phương tăng cường công tác quản lý, theo dõi để bảo vệ đàn voọc xuất hiện trở lại sang hàng trăm năm tại Hà Nội. Tiếp đó, trong thời gian tiếp theo, quá trình khảo sát mở rộng sẽ được tiếp tục; song song với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã nói chung.

“Với môi trường sinh cảnh của rừng đặc dụng Mỹ Đức, cá nhân tôi nghĩ sẽ không thể chỉ có một đàn voọc quần đùi trắng như hiện nay”, ông Tuyên kỳ vọng.