Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Lancaster (Anh) đã tiến hành nghiên cứu về tác động của hiện tượng san hô tẩy trắng hàng loạt đối với sự sống của 38 loài cá bướm.
Tình trạng san hô bị tẩy trắng gia tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm hao hụt nguồn thức ăn của nhiều loài cá, đặc biệt là những loài như cá bướm, vốn phụ thuộc vào nguồn thực phẩm là san hô.
Điều này khiến chúng lao vào những “cuộc chiến không cần thiết” để giành giật san hô, khiến năng lượng quý giá bị tiêu hao và có khả năng đe dọa tới sự sống còn của chúng.
Trong bối cảnh tương lai của các rạn san hô trên thế giới đang ngày càng bất định do biến đổi khí hậu, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Lancaster (Anh) đã tiến hành nghiên cứu về tác động của hiện tượng san hô tẩy trắng hàng loạt đối với sự sống của 38 loài cá bướm.
Theo nhà sinh thái biển Sally Keith, tác giả chính của nghiên cứu, loài cá bướm sống quanh quẩn các rạn san hô chịu ảnh hưởng trước tiên bởi loài cá này ăn san hô, do đó tình trạng tẩy trắng san hô tỷ lệ thuận với số lượng thức ăn mất đi của loài cá sặc sỡ này.
Thực tế này đã đẩy nhiều loài cá bướm vào cảnh tranh giành địa bàn san hô.
Nhóm nhà khoa học đã so sánh hành vi của loài cá bướm tại 17 rạn san hô ngoài khơi Nhật Bản, Philippines, Indonesia và Đảo Christmas (Australia) từ trước và sau khi xảy ra sự kiện san hô bị tẩy trắng tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 2016.
Tình trạng san hô bị tẩy trắng ảnh hưởng đặc biệt đến san hô Acropora, nguồn thức ăn chính của cá bướm, khiến các loài cá bướm khác nhau phải cạnh tranh ngày càng nhiều để tranh giành các loại san hô khác.
Khi một con cá bướm muốn báo hiệu cho đối thủ cạnh tranh rằng một mẩu san hô cụ thể là của chúng, chúng sẽ chúc mũi xuống và nâng vây lưng có gai lên.
Nếu cách này thất bại, chúng sẽ rượt đuổi nhau cho tới khi một con bỏ cuộc.
Nhóm nghiên cứu đã quan sát 3.700 cuộc “đụng độ” giữa các loài cá bướm.
Trước sự kiện tẩy trắng san hô, các loài cá bướm khác nhau có thể giải quyết tranh chấp bằng cách sử dụng tín hiệu trong khoảng 28% thời gian.
Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 10% sau sự kiện trên, cho thấy nhiều “cuộc đối đầu không cần thiết.”
Chuyên gia Keith lưu ý “việc đưa ra những quyết định sai lầm (của cá bướm) về việc nên chiến đấu với cái gì và đầu tư nguồn năng lượng thực sự quý giá của mình vào đâu có thể âm thầm đưa các loài cá bướm đến bờ vực của nạn đói thực sự.”
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo không rõ liệu loài cá này có thể thích nghi đủ nhanh với những thay đổi do quá trình tẩy trắng san hô gây ra hay không.
Theo bà Keith, tình trạng này có thể gây tác động dây chuyền giữa các loài và chuỗi thức ăn.
Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã thúc đẩy quá trình tẩy trắng san hô hàng loạt khi các đại dương trên thế giới ấm lên.
Nghiên cứu mô hình vào năm ngoái đã phát hiện ra rằng ngay cả khi đạt được mục tiêu khí hậu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là khống chế mức tăng của nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C thì 99% các rạn san hô trên thế giới sẽ không thể phục hồi. Trong trường hợp nhiệt độ tăng 2 độ C, tỷ lệ trên sẽ tăng lên 100%.