Dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán các đối tượng thường hay lợi dụng để khai thác lâm sản, buôn bán động vật rừng trái phép. Điều đó đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho lực lượng chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Bảo vệ rừng tại gốc
Hương Sơn là huyện miền núi, biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Toàn huyện hiện có trên 84.500 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 64.755 ha rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý hiếm như: lim, táu, dỗi, sến… có giá trị kinh tế cao và những lợi ích thiết thực về môi sinh, môi trường.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và các cấp, ngành liên quan, Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng tại gốc, quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
“Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chúng tôi chú trọng kiểm tra, rà soát, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao để triển khai phương án bảo vệ rừng nghiêm ngặt, không để xảy ra các huống xấu gây thiệt hại về rừng” – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn Nguyễn Trọng Trà chia sẻ.
Không riêng gì tại huyện Hương Sơn, mà dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Qúy Mão công tác quản lý, bảo vệ rừng đang được các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… triển khai khá đồng bộ, quyết liệt.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng tại gốc; kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng, nhất là ở những khu vực rừng tự nhiên trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao.
Cũng theo ông Kỳ, mặc dù diện tích rừng trải rộng giáp biên giới Việt – Lào, lại có nhiều sông suối chia cắt, gây không ít khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát. Vậy nhưng, các chủ rừng và lực lượng chức năng đang nỗ lực, quyết tâm, tập trung bảo vệ rừng, chủ động đấu tranh, phòng ngừa nạn săn bắt, buôn bán động vật rừng hoang dã trái phép.
Mạnh tay xử lý vi phạm
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trên địa bàn có Vườn Quốc gia Vũ Quang được công nhận là Vườn di sản ASEAN và nhiều diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong khi đó, vì lợi ích kinh tế mà ở một số nơi vẫn xẩy ra tình trạng người dân lén lút khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép.
Điều đáng nói, khi sự việc đã xẩy ra, nghĩa là gỗ đã bị chặt hạ đưa ra khỏi rừng, hoặc động vật hoang dã, quý hiếm đã được đưa về tủ đông lạnh thì việc phát hiện, xử lý vi phạm nếu có cũng chỉ mang tính giáo dục, răn đe. Còn thực tế, công tác đấu tranh, phòng ngừa suy cho cùng vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.
“Khai thác lâm sản, săn bắt, buôn bán động vật rừng trái phép không còn diễn ra công khai như trước đây. Tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa chấm dứt hẳn, bởi tại một số nhà hàng, quán ăn vẫn còn bán đặc sản thịt thú rừng quý hiếm mà vẫn chưa bị phát hiện, xử lý” – một người dân ở xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh thông tin.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 141 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó khởi tố vụ án hình sự 6 vụ/6 bị can; tịch thu 52,3m3 gỗ các loại; 376 cá thể/151 kg động vật rừng; 7 tang vật, phương tiện. Tổng thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1,4 tỷ đồng.
Thực tế trên cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng tuy đã được siết chặt, song việc khai thác lâm sản, săn bắt, buôn bán động vật rừng hoang dã trái phép ở Hà Tĩnh vẫn còn diễn ra. Điều đó đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng, nhất là dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Qúy Mão.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Tùng – Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các khu vực rừng tự nhiên trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao, các khu vực thường xẩy ra tình trạng săn bắt, mua bán chim tự nhiên, động vật hoang dã.
“Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Qúy Mão, chúng tôi tăng cường lực lượng xuống cơ sở, nắm chắc mọi diễn biến về rừng để tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai hiệu quả công tác bảo vệ rừng tại gốc; duy trì lực lượng thường trực 24/24h, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp”- ông Phan Thanh Tùng thông tin.