Hơn 5 năm sống với ô nhiễm, không lúc nào có giấc ngủ ngon vì quá ồn, chúng tôi khổ lắm rồi. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, tương lai của hàng trăm đứa trẻ ở xóm Đô Sơn sẽ lại khổ vì bệnh tật.
Bài 2: Quản lý dự án bằng “niềm tin”: Doanh nghiệp “bỏ quên” môi trường, dân khốn đốn
Tiếp tục đi sâu vào thực tế tìm hiểu những “góc tối tàn khốc” ẩn sau hàng loạt đại công xưởng “phát triển trước, chạy chữa sau” trên dọc dài đất nước, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã phát hiện thực trạng rất phổ biến trong hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, đó là không tuân thủ đúng các quy định, cam kết đã được đề cập trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Thậm chí, có những doanh nghiệp đã đi vào vận hành sản xuất nhiều năm, để xảy ra sự cố khói bụi, gây ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, khiến người dân tốn rất nhiều giấy mực phản ánh, kêu cứu, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Nhà máy gây ô nhiễm, người dân khổ trăm bề
Một chiều tháng 12/2022, bà Thái Thị Phượng (67 tuổi ở xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cầm bó rau muống cùng túi thịt lợn ra góc sân vặn vòi nước rửa, để chuẩn bị bữa cơm tối cho cả gia đình gồm 6 thành viên.
Chẳng hiểu sao, thứ nước mà bà Phượng sử dụng (bơm lên từ dưới giếng đào, gia đình vẫn sử dụng hàng ngày trong suốt hơn 30 năm nay) lại bốc mùi thối hoắc.
Bà Phương cho biết hiện tượng nước giếng có mùi hôi thối rất khó chịu trên bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2016 đến nay. Đó cũng là thời điểm Nhà máy ximăng Sông Lam đi vào vận hành sản xuất, nhiều lần đã để xảy ra sự cố bùn, chất thải theo nước mưa tràn vào sân vườn của nhà bà và các hộ dân xung quanh.
“Là dân thường, chúng tôi không biết ô nhiễm nước ngầm là do đâu, nhưng trước đây, cứ mùa khô là giếng cạn đến đáy, nhà tôi phải đi xin nước khắp làng. Thế mà, từ ngày Nhà máy ximăng Sông Lam về, giếng khi nào cũng đầy ắp nước. Chỉ có điều, đó là thứ nước đục bẩn lẫn mùi rất khó chịu”, bà Phượng buồn rầu chia sẻ.
Cụ bà 67 tuổi cũng bày tỏ nỗi lo lắng về sức khỏe của cả gia đình, khi nghe báo, đài đưa tin theo thống kê từ Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, có khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém; khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.
Vậy thời gian qua, gia đình bà lấy nước từ đâu để sử dụng? tôi hỏi. Bà Phượng thở dài nói: “Vẫn nguồn nước từ giếng này thôi. Biết nguồn nước bị ô nhiễm nhưng ở đây chưa có nước máy nên đành phải nhắm mắt sử dụng. Khổ lắm các chú ơi!”
Không chỉ nước bị nhiễm bẩn, theo bà Phượng, từ khi Nhà máy ximăng Sông Lam đi vào vận hành đến nay, người dân xóm Đô Sơn còn phải chịu cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn xuyên ngày đêm khiến họ không lúc nào có được giấc ngủ ngon.
Chị Nguyễn Thị Tám, có nhà ở cách Nhà máy ximăng Sông Lam khoảng 400m, cho biết: “Từ ngày nhà máy đi vào vận hành, cuộc sống chúng tôi đã bị đảo lộn hoàn toàn. Chúng tôi đã kêu cứu khắp nơi suốt hơn 5 năm qua mà không ai thấu!”
Nhắc lại hành trình cầu cứu, chị Tám kể từ năm 2016-2018, do bị “tra tấn” bởi tiếng ồn, môi trường bị khói bụi làm ô nhiễm, nhiều lần bùn đất đá theo nước mưa tràn vào sân vườn, chị Tám cùng hàng chục hộ dân khác sinh sống cạnh Nhà máy ximăng Sông Lam (ở xóm Đô Sơn) đã nhiều lần viết đơn, phản ánh lên các cấp chính quyền địa phương, nhưng rồi cũng không cơ quan nào giải quyết.
Bế tắc. Năm 2018 và 2019, người dân Đô Sơn đã 2 lần thống nhất viết tâm thư cầu cứu gửi trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thẩm định, phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường-ĐTM cho dự án Nhà máy ximăng Sông Lam) với hy vọng cơ quan này sẽ có giải pháp đưa dân ra khỏi vùng ô nhiễm.
Chia sẻ nội dung tâm thư trên, chị Tám cho biết dự án đầu tư xây dựng Nhà máy ximăng Sông Lam do Công ty Cổ phần ximăng Sông Lam (Tập đoàn ximăng The Vissai) làm chủ đầu tư, được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM tại Quyết định số 297/QĐ-BTNMT ngày 4/2/2016, với tổng vốn hơn 10.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo quyết định trên thì “bán kính an toàn dân sinh” (khoảng cách từ dự án đến điểm rơi bụi và khí độc phát sinh trong quá trình hoạt động) của Nhà máy ximăng Sông Lam phải cách lò nung khoảng 900m, cách hàng rào 600m.
Như vậy, theo chị Tám, xóm Đô Sơn có khoảng 158 hộ dân nằm trong bán kính 600m từ tường rào nhà máy là “không đảm bảo an toàn.” Trong đó, nhiều nhà dân nằm ngay sát nhà máy ximăng, cốt nền khuôn viên nhà máy lại cao hơn nóc nhà, mỗi khi xảy ra mưa bão lại tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất vùi lấp nhà cửa, gây ô nhiễm.
“Người dân chúng tôi đang từng ngày phải sống chung với môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Rất khẩn cầu và mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà quan tâm, bớt chút thời gian về thị sát và có giải pháp để cho người dân sớm được di dời, thoát cảnh ô nhiễm môi trường do Nhà máy ximăng Sông Lam gây ra,” chị Tám cho hay.
Tâm thư được gửi đi với biết bao nỗi niềm mong mỏi, chờ đợi, nhưng sau một thời gian dài vẫn không thấy cán bộ nào của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiếp xúc với người dân kêu cứu, để kiểm tra và có phương án đưa họ “thoát” ra khỏi vùng ô nhiễm.
Sau xử phạt, ô nhiễm lại tiếp tục “hành dân”
Để làm rõ vấn đề trên, giữa tháng 11/2018, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Oánh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần ximăng Sông Lam. Mở đầu buổi làm việc, ông Oánh nhấn mạnh nhà máy này là một trong những dự án do Nghệ An kêu gọi và là dự án trọng điểm của tỉnh này.
“Tôi khẳng định với các bạn là lát nữa ra đứng giữa nhà máy nói chuyện, không có hạt bụi nào. Hiện nay, bụi trong công nghệ là không còn. Trước đây, có tình trạng đổ ngoài bãi nhưng rất lâu rồi, còn bây giờ nằm trong kho hết. Hiện nhà máy chúng tôi đang vận hành rất tốt,” ông Oánh nói.
Thế nhưng, khi phóng viên đặt ra một loạt câu hỏi liên quan đến việc chấp hành các nội dung trong ĐTM, nhất là việc doanh nghiệp đã lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án gửi cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án vào vận hành hay chưa thì ông Oánh ấp úng rồi trả lời “vẫn đang làm.”
“Các anh chưa xong thủ tục nhưng đã vận hành, nghĩa là các anh đang hoạt động ‘vượt đèn đỏ,’ là ‘đánh đổi môi trường lấy kinh tế’ rồi?” phóng viên đặt câu hỏi.
Sau một hồi im lặng, ông Oánh phân trần: “Về khói bụi, trong sản xuất thì ở đâu cũng có, cũng gây ra bụi, nhưng đó là cái nhìn thấy và ắt sẽ có giải pháp. Hiện tại, công trình đang thi công xây dựng một số bãi, nhà kho. Khu vực giáp ranh với tường rào nhà máy đang san lấp nên việc thi công công trường không tránh khỏi rủi ro với môi trường.”
Đặc biệt, ông Oánh thừa nhận: “Nước mưa chảy tràn do cống rãnh làm chưa tốt. Có thời điểm, nước đen theo cống rãnh chảy ra ngoài và nước mưa chảy tràn vào nhà dân là có. Vì cốt nhà máy cao hơn cốt nhà dân nên trong quá trình thi công, việc nước mưa chảy tràn từ nhà máy xuống khu vực dân cư là không tránh khỏi.”
Không lâu sau, ngày 20/11/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Nhà máy ximăng Sông Lam và giải quyết bức xúc, kiến nghị của các hộ dân xã Bài Sơn, huyện Đô Lương theo đúng quy định của pháp luật đồng thời thông báo công khai kết quả xử lý, giải quyết để nhân dân biết, giám sát việc thực hiện.
Đến ngày 31/1/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần ximăng Sông Lam, với số tiền 110 triệu đồng. Lý do công ty này bị xử phạt vì: Chỉ tiêu Coliform vượt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép 17,4 lần; chưa hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc, khí thải tự động liên tục; chưa được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án đi vào vận hành chính thức,…
Sau quyết định xử phạt trên, theo phản ánh của người dân Đô Sơn, phía Nhà máy ximăng Sông Lam đã quan tâm hơn đến việc đầu tư làm đường xá, phun nước tưới đường. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn cùng với việc xả khói (nhất là vào thời điểm ban đêm) vẫn thường xuyên xảy ra. Thậm chí, có những thời điểm, khói của nhà máy “nhả” ra khiến cả vùng trời nhuốm màu vàng đục.
“Hơn 5 năm sống với ô nhiễm, không lúc nào có giấc ngủ ngon vì quá ồn, chúng tôi khổ lắm rồi. Nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn và chúng tôi còn phải sống ở nơi đây, tương lai của hàng trăm đứa trẻ ở xóm Đô Sơn sẽ lại khốn khổ vì bệnh tật,” bà Lê Thị Nguyệt, có nhà nằm giáp với Nhà máy ximăng Sông Lam chia sẻ nỗi lo lắng.
Phần nổi của “tảng băng chìm”
Về vấn đề đền bù, hỗ trợ dân di dời ra khỏi vùng bị ảnh hưởng bởi hoạt động của nhà máy, đại diện Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam cho biết trước đây Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An có về làm việc với chính quyền địa phương.
“Qua tổng hợp thì đúng là có 158 hộ dân nằm trong bán kính 600m từ tường rào nhà máy. Tuy nhiên, việc di dời dân không nằm trong thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An. Doanh nghiệp cũng không giải quyết được. Để giải quyết thì phải làm văn bản gửi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xin chủ trương theo đúng quy định của Nhà nước,” đại diện Nhà máy ximăng Sông Lam nhấn mạnh.
Thế nhưng, điều khó hiểu là khi phóng viên liên hệ làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân (người đã từng làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An liên quan đến hoạt động của dự án Nhà máy ximăng Sông Lam), để hỏi về kết quả kiểm tra cũng như hướng giải quyết cho người dân xóm Đô Sơn, thì ông Nhân lại bảo rằng “ở đó không ô nhiễm” và “cũng không có ai kiến nghị lên bộ.”
Ông Nhân cho biết khi họp với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này báo là không ô nhiễm. “Mới đây, đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh và Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo với tôi là chỉ có 1 hộ ‘đòi’ di dân thôi,” ông Nhân nói thêm.
Trong khi đó, làm việc với phóng viên VietnamPlus vào thời điểm tháng 7/2020, ông Nguyễn Hoài Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường tiết lộ Nhà máy ximăng Sông Lam đã vận hành từ năm 2016, nhưng sau gần 4 năm (ngày 9/12/2019) mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành.
“Thế nên, trước đây (thời điểm nhà máy vận hành ‘vượt đèn đỏ’ khi chưa có giấy xác nhận trên), người dân kêu ô nhiễm là đúng. Còn sau khi hoàn thiện thủ tục, Sở Tài nguyên và Môi trường báo doanh nghiệp đã tuân thủ,” ông Đức nói.
Dù vậy, khi phóng viên đề cập đến thực trạng khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn mà người dân phản ánh vẫn xảy ra, ông Đức một lần nữa thừa nhận: “Các nhà máy ximăng thường có khả năng phát tán bụi rất xa. Thường thì vùng ảnh hưởng nó khoảng vài trăm mét đến hàng nghìn mét nếu vận hành không tốt, để xảy ra sự cố.”
Điều đáng nói là, câu chuyện trên cũng mới chỉ là một phần nổi của “tảng băng chìm” về tình trạng “bỏ quên” môi trường của nhiều doanh nghiệp bấy lâu nay. Bởi theo số liệu thống kê của của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2016-2022, cơ quan này đã thẩm định, phê duyệt 2.547 báo cáo ĐTM (chưa kể trong 3 năm 2019-2021, các địa phương đã phê duyệt 10.229 báo cáo ĐTM).
Tuy vậy, số lượng dự án đã được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, trên thực tế lại rất ít. Như Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2016-2022, cơ quan này mới chỉ cấp 629 Giấy xác nhận hoàn thành theo quy định.
Thực tế ghi nhận của phóng viên tại nhiều tỉnh trên cả nước như Cao Bằng, Hà Giang, Kon Tum, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa,… cũng cho thấy rất nhiều doanh nghiệp chưa được cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng đã đi vào hoạt động sản xuất nhiều năm.
Đơn cử như tại làng nghề đá Yên Lâm (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) với 32 doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến đá đã đi vào hoạt động trên dưới 10 năm qua, nhưng tính đến tháng 12/2021 (thời điểm phóng viên về tìm hiểu), vẫn còn 12 trường hợp chưa được cấp giấy xác nhận trên.
Xin nói thêm, con số trên là số liệu do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định cấp, sau nhiều lần phóng viên “thuyết phục.” Trước đó, lãnh đạo phòng này luôn tìm cách né tránh, trong khi đại diện lãnh đạo thị trấn Yên Lâm thì khẳng định doanh nghiệp mỏ trên địa bàn cơ bản tuân thủ pháp luật về môi trường.
Ngay trong đơn cầu cứu và kiến nghị lần 3 gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Báo Điện tử VietnamPLus hồi tháng 6/2020, nhiều người dân thôn Phúc Trí, thị trấn Yên Lâm cũng đã chỉ ra một loạt vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn.
Đơn cử Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lộc Phúc được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác từ ngày 25/8/2017, nhưng tới ngày 6/1/2020 mới làm thủ tục xin Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bình Minh, được cấp giấy phép khai thác từ ngày 20/7/2018, nhưng tới ngày 29/10/2020 mới làm thủ tục; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Tú được cấp giấy phép từ ngày 20/11/2015, nhưng sau gần 5 năm đi vào hoạt động khai thác, tới ngày 8/1/2020 mới làm thủ tục.
Đó là chưa kể nhiều trường hợp ngay cả khi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và ủy ban nhân dân các tỉnh cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, nhưng doanh nghiệp vẫn “phớt lờ,” không tuân thủ các quy định.
Theo Báo cáo toàn cầu của Ủy ban Lancet về ô nhiễm và sức khỏe, công bố ngày 17/5/2022, ô nhiễm là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 9 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019. Báo cáo chỉ rõ chất thải do con người tạo ra trong không khí, nước và đất, không gây chết người ngay lập tức, song lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim, ung thư, các vấn đề về hô hấp, tiêu chảy cùng các bệnh nan y khác. |
Bài 1: “Góc tối tàn khốc” ẩn sau hàng loạt đại công xưởng dọc dài đất nước
Mời độc giả đón đọc Bài 3: Thanh tra đột xuất thông báo trước: Lỗ hổng giúp ô nhiễm “chui lọt” chủ trương?