Là một trong số ít động vật trên cạn có khả năng hóa trong suốt, ếch thủy tinh chuyển tế bào hồng cầu từ máu vào gan khi ngủ.
Ếch thủy tinh lúc ngủ (trái) và khi thức (phải), cho thấy cách các tế bào hồng cầu bị ẩn đi. Ảnh: Jesse Delia
Ếch thủy tinh mang tên gọi đặc biệt này vì khi ngủ, cơ thể chúng biến thành trong suốt để trốn kẻ săn mồi. Trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science hôm 22/12, nhóm nhà khoa học trình bày về bí quyết của chúng, đó là chuyển các tế bào hồng cầu vào gan. Phát hiện mới có thể hữu ích cho y học.
Hiện diện khắp các vùng nhiệt đới của Mỹ, ếch thủy tinh chỉ có màu xanh lục khi ra ngoài vào ban đêm. Ban ngày, chúng ngủ ở mặt dưới của những chiếc lá. Khi đó, chúng biến da và mô cơ thành trong suốt, chỉ để lộ xương, mắt và cơ quan nội tạng. Nếu không nhìn kỹ, những kẻ săn mồi gần như không thể phát hiện ra.
Nhiều sinh vật dưới nước cũng dùng chiến lược trong suốt để tránh kẻ săn mồi, nhưng ếch thủy tinh là một trong số ít động vật trên cạn làm được như vậy. Một trở ngại lớn là tế bào hồng cầu rất dễ thấy. Một số loài cá giải quyết bằng cách không sản xuất tế bào hồng cầu, nhưng ếch không làm vậy.
Để tìm hiểu, các nhà khoa học từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ và Đại học Duke nghiên cứu ếch thủy tinh Hyalinobatrachium fleischmanni trong môi trường nuôi nhốt, sử dụng kỹ thuật chụp ảnh quang – âm (photoacoustic).
Họ phát hiện rằng khi ngủ, ếch chuyển gần 90% tế bào hồng cầu từ máu vào gan, khiến da và mô cơ của chúng trong hơn 2 – 3 lần. Ngoài ra, gan của chúng có một lớp màng ngoài phản chiếu như gương, giúp giảm khả năng bị trông thấy.
Ở đa số động vật có xương sống, việc dồn tế bào hồng cầu lại như vậy có thể khiến những cục máu đông nguy hiểm hình thành trong mạch máu. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với ếch thủy tinh. Nhóm nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu lý do và hy vọng đáp án sẽ giúp phát triển thuốc ngăn ngừa máu đông cho người.
“Đây là nghiên cứu đầu tiên ghi lại quá trình sinh lý học về sự trong suốt ở động vật có xương sống. Chúng tôi hy vọng nó sẽ thúc đẩy nghiên cứu y sinh nhằm ứng dụng quá trình sinh lý đặc biệt của những con ếch này cho y học và sức khỏe con người”, Jesse Delia, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu với Carlos Taboada từ Đại học Duke, chia sẻ.