Những người nông dân Ấn Độ đã coi canh tác tự nhiên như một giải pháp thực tế nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ramesh Hanumaiya dùng tay đào vài inch trên ruộng của mình và kiểm tra đất. Có sự chuyển động trong lớp đất dày màu nâu: những con giun đất nhỏ bé bị xáo trộn khỏi tổ của chúng. Một nắm đất đầy giun đất có vẻ không nhiều, nhưng đó là kết quả của 7 năm làm việc miệt mài.
Ramesh, 37 tuổi, cho biết: “Đất này từng cứng như gạch. Bây giờ nó giống như một miếng bọt biển. Đất giàu chất dinh dưỡng để cây trồng của tôi phát triển đúng thời gian và khỏe mạnh”. Giống như Ramesh, hàng ngàn nông dân khác ở Anantapur, một quận ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, đang áp dụng lối canh tác được gọi là thực hành nông nghiệp tái tạo với các kỹ thuật như sử dụng phân bón tự nhiên và trồng trọt các loại cây cối và đạt thành công nhất định trong việc chống sa mạc hóa.
Malla Reddy, 69 tuổi, Giám đốc điều hành Trung tâm sinh thái Accion Fraterna, một tổ chức phi lợi nhuận khuyến khích các phương thức canh tác tự nhiên trong vùng, cho biết: “Trước đây chúng tôi biết khi nào trời sẽ mưa và mọi người sẽ canh tác theo mùa vụ. Bây giờ điều đang xảy ra là mưa có thể xảy ra bất kỳ mùa nào, nông dân không thể dự đoán và nhiều khi mất mùa”. Tổ chức của Reddy làm việc với hơn 60.000 nông dân trên 300.000 mẫu đất trong huyện, hỗ trợ từng nông dân khôi phục đất suy thoái trên toàn bộ khu vực.
M.Reddy và những người nông dân mà tổ chức của ông hỗ trợ, sử dụng các phương pháp được gọi là canh tác tự nhiên và nông – lâm kết hợp để tránh làm suy thoái đất. Canh tác tự nhiên thay thế tất cả các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bằng chất hữu cơ như phân bò, nước tiểu bò và bã thốt nốt để tăng mức độ dinh dưỡng của đất.
Eb Manohar, một nông dân 26 tuổi, đã bỏ công việc kỹ sư cơ khí ở Bengaluru, được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Ấn Độ, để chuyển sang làm nông nghiệp tự nhiên ở quê nhà. Trong trang trại của mình, anh trồng cà chua, ớt, bắp cải, cùng các loại cây trồng và rau củ khác.
Anh chia sẻ: “Tôi cũng đã bắt đầu cung cấp phân bón tự nhiên và thuốc diệt cỏ cho những nông dân khác trong làng. Vì họ thấy rằng khoản đầu tư của tôi thấp và lợi nhuận sau đó rất tốt nên ngày càng có nhiều người quan tâm.”
Ajantha Reddy, 28 tuổi, là một nông dân canh tác tự nhiên hướng đến những vụ chanh ngọt. Chanh ngọt đòi hỏi người nông dân phải chờ đợi trong nhiều năm. A.Reddy bỏ công việc kỹ sư phần mềm ở Bengaluru trong đại dịch Covid-19 và trở về ngôi làng của mình ở Anantapur để làm nông. Đối với Reddy, sự hài lòng khi nhìn thấy mùa màng và thành phố quê hương phát triển mạnh là động lực đủ lớn để tiếp tục các phương thức canh tác tự nhiên trong tương lai gần.
Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất đất canh tác khi nhiệt độ tăng và lượng mưa trở nên bất thường hơn. Cơ quan chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc mô tả đây là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội loài người. Theo ước tính của Liên hợp quốc, khoảng 1,9 tỷ ha đất, với hơn 1,5 tỷ người trên toàn cầu bị ảnh hưởng vì sa mạc hóa.
Barron Joseph Orr, nhà khoa học hàng đầu tại Liên hợp quốc, cho biết, khoảng 70% diện tích đất trên thế giới đã bị con người chuyển đổi từ trạng thái tự nhiên để sản xuất lương thực và các mục đích khác; gần 1/5 diện tích đất được chuyển đổi đó đã bị suy thoái. Vì vậy cần khuyến khích quản lý đất đai bền vững cho nông dân và người chăn nuôi gia súc nhiều hơn.