Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện các cá thể mới nở và còn non của loài kỳ nhông hồng, một loài động vật quý hiếm và chỉ tồn tại ở khu vực quần đảo Galapagos của Ecuador.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy những cá thể kỳ nhông hồng còn non kể từ khi loài động vật quý hiếm này được phát hiện hàng thập kỷ trước.
Loài vật này chỉ sinh sống tại khu vực sườn núi lửa Wolf, trên đảo Isabela, thuộc quần đảo Galapagos. Các nhà khoa học ước tính chỉ còn khoảng vài trăm cá thể kỳ nhông hồng vẫn còn tồn tại, khiến cho loài này được xếp vào diện cần được bảo vệ.
“Phát hiện này là một bước tiến lớn. Việc tìm ra nơi sinh trưởng của những cá thể kỳ nhông hồng non giúp chúng tôi có biện pháp bảo vệ tốt hơn cho loài này”, giám đốc Công viên Quốc gia Galapagos Danny Rueda cho biết hôm 20/12.
Các cá thể kỳ nhông hồng, có thể dài tới 47 cm khi trưởng thành, được một nhân viên kiểm lâm phát hiện lần đầu vào năm 1986. Tuy nhiên, các nhà khoa học sau đó đã mất nhiều thập kỷ để nhận ra đây là một loài riêng biệt.
Theo giới chức quản lý của Công viên Quốc gia Galapagos, số lượng cá thể kỳ nhông hồng đã bị sụt giảm nghiêm trọng sau khi các loài gặm nhấm bên ngoài được đưa vào hệ sinh thái trong khu vực.
“Việc biết được mọi yếu tố gây tổn hại tới sự tồn tại của các cá thể kỳ nhông hồng giúp chúng tôi có khả năng hành động kịp thời bảo vệ loài này trước tác động của các loài động vật gây hại, đồng thời bảo tồn chu kỳ tự nhiên của hệ sinh thái trong khu vực”, ông Rueda cho biết.
Khu vực quần đảo Galapagos, với hệ sinh thái đặc biệt, là một phần quan trọng giúp nhà khoa học Anh Charles Darwin xây dựng thuyết tiến hóa của ông. Quần đảo này là nhà của nhiều loài động vật quý hiếm như rùa khổng lồ, chim cốc không bay và một số loài kỳ nhông.
Núi lửa Wolf là một trong những khu vực hẻo lánh nhất nằm dưới sự giám sát của chính quyền Công viên Quốc gia Galapagos.