Việc tạo ra quy định về tín chỉ các bon sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại Hội thảo “Thị trường các bon rừng: Kết quả sau COP27 và lộ trình xây dựng thị trường các bon rừng tại Việt Nam” diễn ra sáng 20/12, các chuyên gia đã thảo luận, đóng góp ý kiến về lộ trình giảm phát thải khí nhà kính và thường mại các bon lâm nghiệp tại Việt Nam.
Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường các bon là một quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định thị trường các bon bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon thu được từ các cơ chế bù trừ tín chỉ các bon, trong và ngoài nước mà trong các cơ chế này, Việt Nam là một trong những nước thành viên theo thỏa thuận song phương, đa phương hoặc tự nguyện.
Để quy định cụ thể về Điều 139 của Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06 ngày 7/1/2022, quy định rõ lộ trình phát triển thị trường các bon trong nước.
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi Khí hậu, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ TN-MT cho biết, lộ trình phát triển thị trường các bon được phân làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, từ nay đến năm 2027, Chính phủ giao Bộ TN-MT phối hợp với Bộ Tài chính triển khai một loạt hoạt động, trong đó xây dựng các quy định liên quan để thiết lập và thí điểm một sàn giao dịch hạn ngạch cho hai mặt hàng phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon trong nước từ năm 2025 đến năm 2027. Sau khi được đánh giá về tính hiệu quả, sàn giao dịch sẽ được vận hành chính thức từ 2028.
Trên sàn giao dịch này, mặt hàng phát thải khí nhà kính được phân bổ cho các doanh nghiệp, cơ sở phát thải lớn được quy định Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, 1.912 doanh nghiệp từ 5 lĩnh vực phát thải chính, các cơ sở thuộc danh mục này phải xác định lượng phát thải và thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Căn cứ vào các yếu tố như lượng phát thải từng doanh nghiệp, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), mục tiêu của từng lĩnh vực, Bộ TN-MT sẽ chủ trì và phối hợp với các Bộ ngành liên quan, xác định định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm của từng lĩnh vực. Từ đó, tiến hành phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho từng doanh nghiệp trong danh mục này để thực hiện giảm phát thải.
Mỗi doanh nghiệp có một mức phát thải nhất định cho phép, nếu vượt ngưỡng sẽ phải mua thêm hạn ngạch từ nhà nước, từ các đơn vị khác không sử dụng hết và tín chỉ các bon từ những cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon để bù đắp.
Ông Minh cho biết, các doanh nghiệp bị khống chế mua tối đa 10% so với hạn ngạch đã cấp, để có thể tự chủ động việc thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong quá tình hoạt động của doanh nghiệp.
Bù trừ tín chỉ các bon là cơ chế để doanh nghiệp xây dựng các chương trình, dự án giảm phát thải khí nhà kính, từ đó, quy đổi ra tín chỉ các bon để có thể trao đổi trên thị trường các bon.
Giữa năm 2000, đã có doanh nghiệp Việt Nam được cấp tín chỉ các bon qua triển khai một số dự án thông qua “Cơ chế phát triển sạch” theo Nghị định thư Kyoto. Việt Nam cũng tham gia cơ chế song phương Việt Nam – Nhật Bản, gọi là Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Theo đó, các dự án được thực hiện tại Việt Nam được nhận hỗ trợ từ Bộ Môi trường và Bộ Kinh tế Nhật Bản. Hiện đã có 14 dự án đăng ký, 8 dự án được cấp tín chỉ, hơn 4.000 tín chỉ được cấp. Kinh phí thu được cho các dự án là gần 40 triệu USD, là nguồn lợi tốt phục vụ các doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. |
Cần tạo ra quy định để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0
Thông tin về tiềm năng tài nguyên lâm nghiệp của Việt Nam, ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại Việt Nam (VFCO) cho biết, hiện tổng diện tích rừng của nước ta khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng đạt 42%. Hiện 60% tổng diện tích rừng do nhà nước trực tiếp quản lý, 40% diện tích rừng nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý.
Ước tính trung bình mỗi năm rừng hấp thụ trung bình khoảng 69,8 triệu tấn carbon (CO2), rừng tự nhiên và rừng trồng lưu giữ được 612 triệu tấn các bon. Trong 12 loại rừng chính, rừng lá rậm thường xanh, chủ yếu là rừng tự nhiên chiếm khoảng 55% trữ lượng các bon trong các loại sinh khối của rừng, rừng trồng chiếm 20%, rừng hỗn giao chiếm khoảng 11% và còn lại là các loại rừng khác. Với những con số này, ông Phương cho rằng nên tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, và đặc biệt áp dụng tiến bộ kỹ thuật đối với rừng trồng để giúp tăng chất lượng gỗ và lượng các -bon hấp thụ.
“Lượng phát thải bình quân một năm trong giai đoạn 1995 – 2000 là 55 triệu tấn, 2000 – 2010 là 62 triệu tấn và 2010 – 2020 là 31 triệu tấn. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực giảm phát thải nhờ quản lý bảo tồn rừng nhưng nhìn sâu hơn, nguồn phát thải đến từ suy thoái rừng rất lớn. Mọi hoạt động tác động đến rừng như chuyển đổi rừng, phá rừng, canh tác đốt cháy sinh khối rừng đều gây ra phát thải”, ông Phương cho biết.
Lâm nghiệp và sử dụng đất là những lĩnh vực sẽ thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo NDC 2022. Các giải pháp về giảm phát thải nông nghiệp sẽ tập trung vào hai hướng tiếp cận chính là giảm phát thải và tăng hấp thụ trong đó các vấn đề nông lâm kết hợp, quản lý rừng bền vững…
Đại diện VFCO đánh giá, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là điểm mốc lớn đánh dấu cụ thể hóa các cam kết, đặc biệt là NDC. Nhưng trong chiến lược phát triển lâm nghiệp cần tập trung tăng năng suất, chất lượng rừng để đáp ứng nhu cầu gỗ chế biến trong nước. Do không còn đất để mở rộng diện tích rừng, nên độ che phủ rừng cần phải duy trì ở mức 42%. Áp lực đối với rừng rất lớn do các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội, vì vậy cần tập trung vào rừng trồng.
Hiện Việt Nam đang tham gia giao dịch trên thị trường các bon tự nguyện, thông qua các dự án, chương trình, tiêu chuẩn các bon dựa trên “luật chơi” riêng. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng cần có cơ chế trao đổi thương mại quy định rõ ràng người mua, bán và trần phát thải để xây dựng thị trường các bon bắt buộc như các quốc gia khác đã thực hiện.
“Việc tạo ra quy định sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nếu chúng ta không có công cụ, chính sách, chúng ta khó có thể thực hiện được những mục tiêu này”, ông Phương cho biết.
Tổng cục Lâm Nghiệp thông tin, đơn vị hiện nay đang phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai một số dự án REDD+ tại Việt Nam như Quỹ Đối tác Các bon trong Lâm nghiệp (FCPF), dự án Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF)… với những khoản tài chính hàng triệu USD chi trả cho nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải các bon từ việc mất rừng và suy thoái rừng.