Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), năm 2022 là một năm “đa khủng hoảng”. Trong đó, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên đã gây ra thiệt hại kinh tế 268 tỷ USD.
Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27) ở Ai Cập tháng 11 vừa qua, các chính phủ nhất trí tạo Quỹ tổn thất và thiệt hại, nhằm bù đắp tổn thất mà những nước đang phát triển phải hứng chịu do thảm họa thiên nhiên. Nhưng COP27 đã kết thúc mà không có các cam kết mới nhằm loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp tính cấp thiết của cắt giảm khí thải nhà kính và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.
“Đó không phải là một cuộc khủng hoảng cấp tính mà là một cuộc khủng hoảng lâu dài. Nếu chúng ta không hành động đủ thì điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chúng ta ở quy mô chưa từng có tiền lệ” – Giáo sư kinh tế vĩ mô Roel Beetsma tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) – cảnh báo.
Với Giáo sư Beetsma, khủng hoảng lớn nhất trong năm 2022 chính là biến đổi khí hậu. Theo tập đoàn Swiss Re (Thụy Sĩ), tính từ đầu năm 2022 đến nay, các thảm họa tự nhiên và nhân tạo đã gây ra thiệt hại kinh tế 268 tỷ USD. Chỉ riêng cơn bão Ian đã gây thiệt hại vào khoảng 50 – 65 tỷ USD. Lũ lụt tại Pakistan dẫn đến thiệt hại 30 tỷ USD trong năm nay.
Trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo
Theo nghiên cứu có tên “Danh sách theo dõi khẩn cấp năm 2023” của Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC), biến đổi khí hậu sẽ khiến các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2023.
IRC – tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York (Mỹ) – nhấn mạnh số người cần hỗ trợ nhân đạo đã tăng cao trong thập kỷ qua từ mức 81 triệu người vào năm 2014 lên 339,2 triệu người. Biến đổi khí hậu nằm trong số những yếu tố chủ chốt góp phần làm gia tăng tình trạng khẩn cấp về nhân đạo, dù 20 quốc gia trong danh sách theo dõi của IRC chỉ chiếm 2% trong tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Năm 2022 đã cho thấy tác động rõ ràng của biến đổi khí hậu đến khủng hoảng nhân đạo trên toàn cầu. Điển hình như mưa kéo dài đã gây ra mất an ninh lương thực tại Somalia và Ethiopia, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người tại Pakistan. Trước thực trạng này, IRC đã nêu bật tầm quan trọng của việc chủ động đầu tư vào ngăn ngừa và giảm nhẹ tác hại của tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, mất an ninh lương thực có xu hướng gia tăng do xung đột leo thang và cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan căng thẳng Nga – Ukraine và đại dịch Covid-19. Tính đến tháng 11/2022, chênh lệch giữa nhu cầu hỗ trợ nhân đạo và mức hỗ trợ tài chính trên toàn cầu là 27 tỷ USD. Hậu quả là các cộng đồng chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng không thể tiếp cận dịch vụ thiết yếu để phục hồi và tái thiết. Đáng chú ý, trong năm nay, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa đã vượt con số 100 triệu, tăng mạnh so với con số 60 triệu người của năm 2014.
Áp lực gia tăng chi phí khí hậu
Trong một năm được đánh dấu bởi ngày càng nhiều những hiện tượng thời tiết cực đoan như năm 2022, các chính phủ và các công ty buộc phải xem xét kỹ hơn những rủi ro tài chính và khả năng chịu trách nhiệm của họ.
Theo công ty mô hình hóa rủi ro RMS, các công ty bảo hiểm đang cảm thấy rắc rối khi đối mặt với 3 trong số những thảm họa tốn kém nhất trong thập kỷ: Trận lũ lụt lịch sử gây thiệt hại 40 tỷ đô la cho Pakistan, một loạt đợt nắng nóng chết người gây ra tổng thiệt hại hơn 10 tỷ đô la cho châu Âu và Bão Ian “xé nát” bang Florida và Nam Carolina của Mỹ với chi phí 100 tỷ đô la.
Quỹ tổn thất và thiệt hại được thành lập tại COP27 đã đánh dấu một mốc ngoại giao của các quốc gia nghèo, sau nhiều thập kỷ nhận được sự phản đối của Mỹ và châu Âu vì lo ngại nó có thể khiến họ phải chịu trách nhiệm pháp lý về lượng khí thải của mình. Nhưng cuối cùng các quốc gia cũng thống nhất quỹ sẽ rút tiền từ các tổ chức tài chính hiện có chứ không phải các quốc gia cụ thể, làm giảm bớt những lo ngại về trách nhiệm pháp lý.
Các nhà nghiên cứu dự báo, trong năm 2023, biến đổi khí hậu tiếp tục leo thang, kéo theo nhiều lo lắng hơn giữa các công ty và chính phủ về trách nhiệm pháp lý và rủi ro. Các công ty và nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với áp lực phải chống chọi với biến đổi khí hậu đối với chuỗi cung ứng và hoạt động của họ.
Vào cuối năm 2023, các quốc gia sẽ gặp lại nhau tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tiếp theo của Liên Hợp quốc, COP28, sẽ diễn ra tại Dubai và họ sẽ chịu thêm áp lực để thấy rằng, mục tiêu lượng khí thải được cắt giảm một nửa vào năm 2030 và bằng 0 vào năm 2050 là con đường duy nhất để giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.